Kế hoạch 482/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 482/KH-UBND |
Ngày ban hành | 28/01/2019 |
Ngày có hiệu lực | 28/01/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Nguyễn Hữu Lập |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 482/KH-UBND |
Bến Tre, ngày 28 tháng 01 năm 2019 |
Căn cứ Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 32/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện, với nội dung cụ thể như sau:
1. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh.
2. Tiếp tục xác định công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH nói chung, tại các khu dân cư nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; phải tiến hành bằng nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 32/CT-TTg và các quy định pháp luật về PCCC&CNCH, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác PCCC&CNCH, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của từng đơn vị, địa phương.
2. Chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch công tác PCCC&CNCH tại từng ngành, đơn vị, địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của lãnh đạo tỉnh về công tác PCCC&CNCH.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC&CNCH. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ các cơ sở, khu dân cư, các ngành, nghề có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao; các loại hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ; vũ khí, vật liệu nổ; các hoạt động đầu tư, xây dựng có liên quan đến công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh.
4. Tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC gắn với các phong trào hành động, các cuộc vận động tại đơn vị, địa phương. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về an toàn PCCC&CNCH; củng cố, kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng PCCC tại chỗ; đề ra các nội quy, quy định, quy chế hoạt động cụ thể; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC.
5. Làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra về PCCC&CNCH. Đề cao vai trò hướng dẫn, kiểm tra của ngành, cơ quan chủ quản đối với các đơn vị, cơ sở trực thuộc, của chính quyền cơ sở đối với các khu dân cư; nâng cao chất lượng tự kiểm tra tại từng cơ quan, cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình. Bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực PCCC&CNCCH của các cơ quan, ngành chức năng theo đúng quy định pháp luật.
6. Chủ động về mọi mặt để tổ chức chữa cháy, CNCH nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi có tình huống sự cố, tai nạn xảy ra. Thực hiện tốt việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm phương tiện PCCC&CNCH, các yêu cầu về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.
7. Quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC&CNCH; giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và người tham gia hoạt động PCCC&CNCH.
1. Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị số 32/CT-TTg bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 06/10/2015 của Tỉnh ủy và kế hoạch số 6799/KH-UBND ngày 23/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1635/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy, góp phần đưa công tác PCCC&CNCH thật sự trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH đối với các cơ sở, khu dân cư, bảo đảm việc chấp hành pháp luật về PCCC&CNCH. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCCC các ngành, địa phương. Mở hồ sơ quản lý về PCCC&CNCH theo quy định. Phân công trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, phụ trách công tác PCCC&CNCH. Thường xuyên tổ chức nắm chắc đặc điểm, tình hình có liên quan trên địa bàn, lĩnh vực, như: số lượng, quy mô, tính chất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc diện quản lý về PCCC&CCNCH; tình hình xây dựng các dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC; lực lượng, phương tiện có thể huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy để có biện pháp quản lý phù hợp.
- Tiếp tục đổi mới, phát triển phong trào toàn dân PCCC. Xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác PCCC&CNCH, tăng cường tính tự phòng, tự quản và phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân, nhất là tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở, khu dân cư trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH.
- Trong công tác xây dựng khu dân cư, gia đình, cơ quan văn hóa phải xác định các nội dung về tuân thủ yêu cầu, điều kiện PCCC&CNCH, về mức độ tham gia thực hiện công tác PCCC&CNCH của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân như là tiêu chí quan trọng để làm cơ sở đánh giá, phân loại.
- Quan tâm xây dựng mới và giữ vững các đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới và kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC&CNCH.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Phải thực hiện công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, rộng rãi với các nội dung, hình thức phù hợp, phát huy tốt nhất hiệu quả công tác này.
- Củng cố, kiện toàn, xây dựng mới, duy trì hoạt động của các đội PCCC cơ sở, dân phòng. Bảo đảm chế độ chính sách, trang bị phương tiện và huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định. Phải quan tâm chỉ đạo và tạo thuận lợi cho lực lượng này thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Có quy chế, phân công, phối hợp giữa lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng với lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân, tự vệ cơ quan trong công tác PCCC&CNCH.
- Tổ chức tốt công tác kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các điều kiện an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. Các ngành, địa phương phải có chương trình, kế hoạch cụ thể để kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với lĩnh vực, đơn vị, khu dân cư thuộc phạm vi phụ trách, quản lý; cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp nhiều lực lượng, có sự tham gia của lãnh đạo ngành, địa phương để xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém. Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở trực thuộc thường xuyên tự kiểm tra bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Quan tâm rà soát quy hoạch khu dân cư, chỉnh trang đô thị, làng nghề để bổ sung đầy đủ các nội dung, yêu cầu công tác PCCC&CNCH, nhất là điều kiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy. Khi cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở liền kề, nhà ở liền kề mặt phố phải chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC&CNCH theo quy định.
- Thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng các phương án chữa cháy, CNCH. Tại từng cơ quan, cơ sở, khu dân cư phải có phương án chữa cháy, phương án CNCH được phê duyệt theo quy định và bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Chấp hành nghiêm chế độ thực tập phương án, hàng năm phải bảo đảm 100% khu dân cư, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC&CNCH tự tổ chức thực tập phương án sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ; đối với các khu dân cư, cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao phải tổ chức thực tập phương án có huy động nhiều lực lượng, phương tiện ít nhất mỗi năm 1 lần.
- Chịu trách nhiệm chỉ huy, chỉ đạo công tác chữa cháy, CNCH tại chỗ và khắc phục hậu quả vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn; trường hợp để gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.
- Tiếp tục đầu tư kinh phí cho công tác PCCC&CNCH. Hàng năm phải có dự toán kinh phí, trong đó phải bảo đảm phục vụ cho các hoạt động thường xuyên của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng; tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; trang bị, bổ sung phương tiện PCCC&CNCH; khen thưởng trong công tác PCCC&CNCH và các hoạt động liên quan khác.
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát, đánh giá, phân loại về PCCC&CNCH đối với các cơ sở, khu dân cư trọng điểm, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao và có những giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tại khu dân cư. Có biện pháp xử lý đối với nhà, công trình chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; tích cực vận động di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư. Thống kê các ngõ hẻm vào khu dân cư mà xe chữa cháy không tiếp cận được, từ đó có giải pháp phù hợp để mở rộng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu. Giải quyết tốt tình trạng cơi nới, lấn chiếm giao thông, lối đi chung, đường thoát nạn và việc giăng, mắc dây dẫn điện, viễn thông không đảm bảo yêu cầu về PCCC&CNCH.