Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2016
Ngày có hiệu lực 29/12/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 29 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM MẦM NON, HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025”

Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số đến trường tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

2. Việc thực hiện triển khai Đề án đảm bảo hiệu quả, thiết thực; huy động các nguồn lực cùng tham gia.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, bảo đảm cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển chung của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90 % trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.

- Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và trên 95% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.

- Hằng năm, 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt.

- Trên 98% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học và mầm non giảng dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động để tăng cường tiếng Việt cho học sinh; được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn đáp ứng mục tiêu Kế hoạch đề ra; hằng năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.

Ngành giáo dục và đào tạo chủ động phát huy những kinh nghiệm, những mô hình làm tốt, hiệu quả để giới thiệu, nhân rộng trong việc triển khai thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt vùng dân tộc thiểu số.

2. Công tác truyền thông

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác tuyên truyền về việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức đoàn thể hỗ trợ các bậc phụ huynh trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em qua việc tạo cơ hội, môi trường giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động ngoại khóa.

Tuyên truyền, vận động để nâng cao và giữ vững tỷ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường và học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện để trẻ có thời gian, cơ hội tăng cường tiếng Việt.

3. Tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt

Rà soát chương trình, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, tài liệu tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng, điều kiện của từng địa bàn, từng điểm trường, từng dân tộc.

Bổ sung, thay thế, trang cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho các nhóm lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số.

[...]