Kế hoạch 4255/KH-UBND năm 2016 tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 4255/KH-UBND
Ngày ban hành 19/10/2016
Ngày có hiệu lực 19/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4255/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ MẦM NON, HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, cụ thể như sau:

Phần 1

THỰC TRẠNG DẠY HỌC TIẾNG VIỆT CỦA TRẺ MẦM NON, HỌC SINH TIỂU HỌC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA

I. TÌNH HÌNH DẠY HỌC TIẾNG VIỆT CỦA TRẺ MẦM NON, HỌC SINH TIỂU HỌC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ THỜI GIAN QUA

1. Đối với cấp học mầm non

Hiện nay, toàn tỉnh có 89 trường mầm non (72 công lập, 17 tư thục) trong đó có 50 trường có trẻ dân tộc thiểu số (DTTS), với 271 nhóm, lớp. Trong những năm qua, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trong cấp học mầm non, nhất là vùng DTTS đã được quan tâm đầu tư.

Tổng số trẻ DTTS ra lớp: 4.828 trẻ, đạt tỷ lệ 28,5% (trong đó trẻ 0-2 tuổi: 63 trẻ, đạt tỷ lệ 0,8%; trẻ 3-5 tuổi: 4.765 trẻ, đạt tỷ lệ 53,1%; trẻ 5 tuổi DTTS: 3.062 trẻ, đạt tỷ lệ 96,9%).

Đội ngũ cán bộ quản và giáo viên là người DTTS trong cấp học mầm non có 217 người (CBQL: 10; GV: 207); Giáo viên dạy trẻ vùng DTTS có 349 người. Đối với vùng đồng bào Chăm, hầu hết giáo viên là người Chăm dạy trẻ, nên thuận lợi trong giao tiếp, dạy học. Tại vùng đồng bào dân tộc Raglai có trên 200 giáo viên giảng dạy, trong đó có 50 giáo viên là người dân tộc Raglai và 20 giáo viên là người dân tộc Chăm; các nhóm, lớp khác trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với giáo viên.

Số đông trẻ DTTS bắt đầu đến trường từ 5 tuổi do đó thời gian trẻ giao tiếp và học nói tiếng Việt tại trường không nhiều. Môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế, nhất là tại các điểm trường, lớp lẻ.

2. Đối với cấp tiểu học

Toàn tỉnh có 153 trường với 206 điểm trường, trong đó có 93 trường có học sinh là người DTTS, với 16.097 học sinh DTTS; có 03 trường phổ thông dân tộc bán trú; một số trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.

Hiện có 1.366 giáo viên đang trực tiếp dạy học sinh DTTS, trong đó có 793 giáo viên người Kinh (chiếm 58,8%); 480 giáo viên là người DTTS (chiếm 35,1%). Số giáo viên không biết tiếng mẹ đẻ của học sinh là 886 người (chiếm 64,9%); nhiều giáo viên đã được tập huấn về phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai.

Tuy nhiên, số học sinh DTTS được học 2 buổi/ngày còn ít. Đồ dùng, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu thốn, xuống cấp. Nhiều trường và điểm trường thiếu sách, truyện, tài liệu để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.

Những năm qua, kinh phí và nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn eo hẹp; chưa có chế độ, chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1 trong hè.

Học sinh tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp do không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt nên gặp rất nhiều khó trong học tập, đặc biệt là những trẻ không qua lớp mẫu giáo 5 tuổi. Do không biết tiếng Việt nên những học sinh này khó khăn trong giao tiếp với giáo viên, rụt rè, thiếu mạnh dạn trong các hoạt động, hạn chế trong tiếp thu kiến thức. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều học sinh DTTS lưu ban, bỏ học ở cấp tiểu học.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong thời qua công tác dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS có những ưu điểm và hạn chế như sau:

1. Ưu điểm:

- Trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS trong thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và các đoàn thể. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường, đạt chuẩn về trình độ, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu dạy học ở vùng DTTS. Nhiều chế độ, chính sách cho học sinh đã được thực hiện tốt.

- Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở vùng DTTS. Các giải pháp khắc phục trở ngại về tiếng Việt cho học sinh DTTS được đẩy mạnh, như: Dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS trong cấp học mầm non; dạy chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trong hè, trước khi vào lớp 1; tạo điều kiện cho học sinh DTTS học thêm buổi thứ hai; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh thông qua dạy học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết... Ngoài ra, đã đào tạo, bố trí sử dụng 140 giáo viên mầm non, tiểu học hệ cử tuyển người dân tộc Raglai cho 18 xã vùng đồng bào dân tộc Raglai; triển khai bồi dưỡng về tiếng dân tộc cho giáo viên là người kinh công tác ở vùng DTTS.

- Chất lượng dạy học ở vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc. Tỷ lệ huy động ra lớp ngày càng tăng. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm nhiều. Học sinh yếu, kém giảm trong khi học sinh đạt khá, giỏi tăng nhanh. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng đã thu hẹp một bước so với vùng đồng bằng.

2. Hạn chế, bất cập:

- Đến nay, chất lượng dạy học ở vùng DTTS vẫn còn thấp. Số học sinh trong độ tuổi chưa ra lớp và nghỉ học cách nhật vẫn còn cao. Tỷ lệ học sinh yếu, kém còn nhiều; học sinh lưu ban, bỏ học còn khá lớn... Trở ngại về tiếng Việt của học sinh, nhất là học sinh không qua lớp mẫu giáo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh các dân tộc Raglai, K.Ho, Churu ở các lớp đầu cấp tiểu học. Đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ở cấp tiểu học và các cấp học tiếp theo.

- Các điều kiện để triển khai công tác dạy và học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS còn nhiều hạn chế, bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường vùng DTTS còn thiếu nhiều, nhất là cấp học mầm non và giáo viên Anh văn cấp tiểu học. Số đông giáo viên không biết tiếng dân tộc, khó khăn trong giao tiếp với học sinh và phụ huynh.

- Cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi, sách, tài liệu... còn thiếu nhiều. Kinh phí đầu tư cho việc tăng cường tiếng Việt còn hạn chế. Chế độ cho giáo viên dạy chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 lâu nay chưa có. Nguồn lực xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế.

- Nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động tăng cường môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh trong các trường triển khai chưa nhiều.

[...]