Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2021 triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2021
Ngày có hiệu lực 08/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 08 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Thực trạng triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) tại Ninh Bình

- Năm 2018, Sở Y tế đã triển khai thí điểm EHR tại xã Đức Long và thị trấn Nho Quan thuộc huyện Nho Quan, có khoảng 8.000 người dân thuộc huyện Nho Quan được tạo lập EHR đầy đủ nội dung theo Quyết định số 831/QĐ-BYT.

- Tính đến hết năm 2020, đã có trên 80% dân số của tỉnh đã được tạo lập tài khoản EHR (tuy nhiên thông tin chưa được cập nhật đầy đủ theo Quyết định số 831/QĐ-BYT).

- Kết quả đánh giá cho thấy việc triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại những lợi ích cho người dân, các cơ sở y tế và các cơ quan quản lý y tế (Người dân được theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe thường xuyên, liên tục; chia sẻ thông tin dễ dàng giúp bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật. Trạm Y tế tuyến xã quản lý sức khỏe người dân đầy đủ, toàn diện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trung tâm Y tế tuyến huyện tăng cường công tác quản lý sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Sở Y tế nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên toàn tỉnh).

2. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch

- Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế;

- Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử;

- Đối với người dân, EHR giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua EHR, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc EHR, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc;

- Đối với người thầy thuốc, EHR cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. EHR giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn;

- Đối với công tác quản lý, việc triển khai EHR giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe lớn của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn;

- Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có;

Như vậy, việc xây dựng hệ thống EHR rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết 20-NQ/TW.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới;

- Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu;

- Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 của Bộ Y tế về triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới Y tế cơ sở theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng chính phủ;

- Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Trưởng Bộ Y tế

phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế, xã, phường giai đoạn 2018-2020;

- Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ Trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025;

- Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế, phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử;

- Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 04/4/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai EHR cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm mỗi người dân có một EHR, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh và kết nối với Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia.

[...]