Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 3160/KH-UBND triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022

Số hiệu 3160/KH-UBND
Ngày ban hành 07/09/2022
Ngày có hiệu lực 07/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3160/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2022

Căn cứ Kế hoạch số 5287/KH-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025.

Căn cứ Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2022.

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 5024/TTr-SYT ngày 25 tháng 7 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân Thành phố, để mỗi người dân biết về thông tin sức khỏe của mình và các cơ sở khám chữa bệnh có thông tin sức khỏe ban đầu của người bệnh nhanh chóng, chính xác; từng bước xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe của người dân Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng nền tảng số tạo lập dữ liệu sức khỏe của người dân trên địa bàn Thành phố để mỗi người dân biết về thông tin sức khỏe của mình và các cơ sở khám chữa bệnh có thông tin ban đầu của người bệnh nhanh chóng và chính xác.

- Khai thác dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân Thành phố, xây dựng mô hình bệnh tật về các bệnh không lây nhiễm.

- Nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Ưu tiên hoàn thành tạo lập hồ sơ sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ tại Thành phố trong năm 2022 và được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên.

3. Yêu cầu

- Hồ sơ sức khỏe điện tử phải đảm bảo tính bảo mật, riêng tư của người dân. Đảm bảo định danh người dân bằng số CCCD/CMND/Mã định danh. Mẫu hồ sơ sức khỏe ghi nhận nội dung, thông tin theo quy định của Bộ Y tế và phù hợp với các quy chuẩn quốc tế.

- Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và liên thông với cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế.

- Các dữ liệu bắt buộc phải có khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm: dữ liệu hành chính; dữ liệu tiêm chủng mở rộng (đối với trẻ em) và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; dữ liệu tiền sử bệnh tật, dị ứng...; dữ liệu chỉ số nhân trắc học (cân nặng, chiều cao); dữ liệu về nhóm máu; dữ liệu về bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh hiện mắc khác.

I. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoạt động 1: Xây dựng công cụ tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử

1.1 Các hoạt động triển khai

- Xây dựng thông tin hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân dựa trên mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2017 của Bộ Y tế, phần thông tin người dân tự khai phải đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện. Xác định các thông tin sức khỏe cần thu thập khác để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng các yêu cầu, giải pháp về kỹ thuật để chọn lựa đơn vị tư vấn phù hợp xây dựng thuyết minh và dự toán chi tiết triển khai dự án này, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố, liên thông kết nối với các hệ thống khác như:

+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp Quốc gia: Nền tảng tiêm chủng quốc gia và nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế; cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp; cơ sở dữ liệu PC-COVID của Bộ thông tin và Truyền thông; cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội; cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an.

+ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các đơn vị tại Thành phố: cơ sở dữ liệu y tế bao gồm cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh, người thuộc nhóm nguy cơ, nền tảng số COVID-19; cơ sở dữ liệu hộ tịch.

- Xây dựng kế hoạch đấu thầu để chọn lựa đơn vị triển khai đủ năng lực và có giải pháp kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí trong thuyết minh dự án.

- Xây dựng công cụ tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử (Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử) bao gồm các hệ thống:

+ Xây dựng ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên nền tảng web, thiết bị di động.

+ Xây dựng Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cho các cơ sở y tế.

[...]