Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2017 về thực hiện "Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2017
Ngày có hiệu lực 02/12/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 02 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN "ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030";

Căn cứ Công văn số 2999/LĐTBXH-BTXH ngày 19/7/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện "Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030";

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện "Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về an sinh xã hội (ASXH), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất

KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG VỀ CSDL ASXH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. TÌNH HÌNH ĐỐI TƯỢNG ASXH VÀ DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2020

1. Tình hình đối tượng ASXH

1.1. Đối tượng cần trợ giúp xã hội

Theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2017 đối tượng đang hưởng trợ giúp xã hội hằng tháng trên địa bàn tỉnh có 22.274 người, chiếm khoảng 2,8% dân số toàn tỉnh. Trong đó: có 173 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; 58 trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động; 1.745 người đơn thân nghèo đang nuôi con nhỏ; 9.574 người cao tuổi; 8.815 người khuyết tật, 1.909 gia đình, cá nhân chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Ngoài ra còn có trên 63.000 người cao tuổi (hưởng trợ cấp khác, hoặc chưa đến tuổi hưởng trợ cấp), trên 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 1.100 người nghiện ma túy, khoảng 1.600 người nhiễm HIV; trên 13.000 hộ cần trợ giúp đột xuất, hỗ trợ lương thực hằng năm. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh duy trì nuôi dưỡng, chăm sóc trên 40 đối tượng bảo trợ xã hội (chủ yếu là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi).

1.2. Đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo

Theo kết quả rà soát cuối năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 47.377 hộ nghèo, với trên 190.000 nhân khẩu và 22.549 hộ cận nghèo, với trên 94.000 khẩu.

1.3. Đối tượng hưởng chính sách người có công

Đến nay toàn tỉnh có trên 10.000 người có công, trong đó có trên 7.600 người hưởng trợ cấp hàng tháng.

1.4. Đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp

- Bảo hiểm xã hội (BHXH): Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2016, số người tham gia gần 59.867 người. Ước đến 31/12/2017, số người tham gia khoảng trên 61.000 người (trong đó lao động tại tỉnh trên 51.000 người; lao động tại các tỉnh, thành phố gần 10.000 người) chiếm 14,62% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong các ngành kinh tế.

- Bảo hiểm y tế (BHYT): Số người tham gia khoảng 742.000 người, chiếm 95,9% tỷ lệ dân số, trong đó Nhà nước hỗ trợ mua trên 530.000 người, chiếm 72% số người tham gia.

- Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Số người tham gia trên 50.398 (trong đó lao động tại tỉnh 40.788 người; lao động tại các tỉnh, thành phố 9.610 người) chiếm 12,02% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong các ngành kinh tế.

2. Dự báo đối tượng đến năm 2020

Dự báo đến năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội, cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh dự báo sẽ có bước phát triển khá, nhận thức về ASXH của người dân sẽ được nâng cao, do đó đối tượng được trợ giúp xã hội, đối tượng tham gia BHYT, BHXH, BHTN sẽ tăng lên, ngược lại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng hưởng chính sách người có công sẽ có xu hướng giảm; người nghiện ma túy, người bị nhiễm HIV cơ bản giữ nguyên, cụ thể:

2.1. Đối tượng cần trợ giúp xã hội

Dự báo có khoảng 30.000 người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên (trong đó chủ yếu là người cao tuổi và người khuyết tật). Hằng năm có khoảng 10.000 hộ cần trợ giúp đột xuất và hỗ trợ lương thực dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt. Ngoài ra dự báo có khoảng trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 1.000 người nghiện ma túy và khoảng 1.500 người bị nhiễm HIV.

2.2. Hộ nghèo cận nghèo

Toàn tỉnh có khoảng 60.000 hộ, chiếm khoảng 28% tổng số hộ toàn tỉnh (trường hợp áp dụng chuẩn nghèo mới cao hơn chuẩn hiện nay).

2.3. Đối tượng hưởng chính sách người có công

Dự báo đến năm 2020 còn khoảng 8.000 người, trong đó khoảng 6.000 người hưởng trợ cấp.

[...]