Kế hoạch 282/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030"

Số hiệu 282/KH-UBND
Ngày ban hành 03/11/2017
Ngày có hiệu lực 03/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Nguyễn Hữu Thể
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KH-UBND

Lào Cai, ngày 03 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030”

Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 708); Công văn số 2999/LĐTBXH-BTXH ngày 19/7/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch "Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về an sinh xã hội (ASXH), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

I. TÌNH HÌNH ĐỐI TƯỢNG AN SINH XÃ HỘI (ASXH) VÀ DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2020

1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội

1.1. Đối tượng cần trợ giúp xã hội:

Tính đến ngày 30/6/2017, trên địa bàn toàn tỉnh có 12.272 đối tượng hưởng trợ cấp/trợ giúp xã hội, trong đó: 11.270 người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên (bao gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi,...); 1.002 cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng; 116 người được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội.

1.2. Đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo:

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn 43.835 hộ nghèo (chiếm 27,41% tổng số hộ), 16.821 hộ cận nghèo (chiếm 10,52%).

1.3. Đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng:

Đến nay toàn tỉnh đang quản lý 25.000 hồ sơ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, trong đó: trên 1.500 hồ sơ gốc của liệt sỹ, 80 hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, hơn 1.000 hồ sơ thương binh, bệnh binh, trên 1.000 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 50 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 21.000 hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế.

1.4. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 6 năm 2017, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho 693.286 người, trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc là 59.073 người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.246 người; sngười tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho 49.669 người; số người tham gia bảo hiểm y tế cho 692.040 lượt người.

2. Dự báo đối tượng đến năm 2020

Trên thực tế, sự tác động của quá trình hội nhập kinh tế thế giới, toàn cầu hóa và đô thị hóa cũng đồng thời làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề xã hội đã và đang có những tác động nhiều chiều khác nhau tới gia đình, xã hội. Dự báo đến năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội, nhận thức về ASXH của người dân sẽ được nâng cao, do đó đối tượng được trợ giúp xã hội, đối tượng tham gia BHYT, BHXH, BHTN sẽ tăng lên, ngược lại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng hưởng chính sách người có công sẽ có xu hướng giảm,...

a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo: Khoảng 25.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó khoảng 10.000 người cao tuổi, 7.000 người khuyết tật, 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trên 5.000 đối tượng khác. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm còn 16,1%.

b) Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công khoảng 3.500 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng.

c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Khoảng 70.334 người; đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 57.565 người; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 3.170 người; đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khoảng 727.306 (chiếm 99% dân số) trong đó khoảng 60 ngàn người hưởng từ ngân sách nhà nước đảm bảo, 10.000 người hưởng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo và 10.000 người hưởng từ trợ cấp thất nghiệp.

II. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về hình thành cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội, như: Kế hoạch rà soát, thống kê các đối tượng Quyết định; Kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội; Kế hoạch triển khai Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày công tác xã hội Việt Nam”; Kế hoạch triển khai Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo; Kế hoạch điều tra thu thập thông tin thị trường lao động; khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của lực lượng lao đng, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo theo các loại hình doanh nghiệp,... để xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng liên quan đến công tác an sinh xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 30/12/2016 triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020 và năm 2017 trong các cơ quan nhà nước; đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các cấp các ngành trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực công tác, gắn với thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử, xây dựng CSDL quản lý chuyên ngành, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến ASXH.

2. Hệ thống chỉ tiêu theo dõi, quản lý chính sách ASXH

Thực hiện Luật Thống kê và quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo và phân công các ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ để thu thập, tổng hợp và báo cáo Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó có các chỉ tiêu liên quan đến công tác ASXH, như: Các số liệu thống kê về trợ giúp xã hội, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, tái nghèo; số hộ, số nhân khẩu thiếu đói; lao động - việc làm; BHXH, BHYT, BHTN,... ngoài ra, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê do các bộ ngành Trung ương quy định, hằng năm các Sở, ngành đều thực hiện thống kê, báo cáo theo các hệ thống tiêu chí thống kê, báo cáo của các ngành trong đó có nhiều chỉ tiêu có liên quan đến ASXH.

3. Hệ thống phần mềm quản lý và CSDL thành phần về ASXH

Thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước, đến nay các sở, ngành đã tổ chức triển khai, bước đầu đã hình thành các hệ thống CSDL chuyên ngành. Cụ thể:

[...]