Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 102/KH-UBND
Ngày ban hành 16/06/2020
Ngày có hiệu lực 16/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Công Trưởng
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 16 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT, KINH DOANH, THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch này để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư toàn xã hội.

2. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

3. Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

4. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường an ninh ổn định để nhà đầu tư, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư:

- Tập trung quán triệt, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch này. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền theo quy định.

- Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, những khó khăn, vướng mắc.

- Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

- Rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm. Đối với những dự án đã thanh tra, khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu, đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

- Chủ động xây dựng các phương án, kịch bản bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, bình ổn giá và thị trường.

- Rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

- Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan mình; quyết liệt đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ các dự án đầu tư còn đang tồn đọng; có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ.

- Tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

- Cử đầu mối và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của tỉnh.

- Rà soát lại từng nhiệm vụ, biện pháp đã và đang triển khai thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế.

- Duy trì, đẩy mạnh các hoạt động, huy động các nguồn lực, cả hệ thống chính trị tham gia công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tập trung công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

[...]