Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Phú Yên

Số hiệu 126/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2021
Ngày có hiệu lực 13/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Phú Yên, ngày 13 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 TỈNH PHÚ YÊN

Thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Phú Yên (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG NGÀNH LÂM NGHIỆP CỦA TỈNH 2006-2020

- Trong giai đoạn 2006-2020, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển chủ yếu là mô hình trồng rừng kinh tế của hộ gia đình, quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu; hiệu quả sử dụng đất đai thấp, tái cơ cấu ngành còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

- Phát triển rừng trồng nhanh, rừng tự nhiên giảm về diện tích và chất lượng: Sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, tổng diện tích rừng trên toàn tỉnh đến nay đạt gần 244 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng là 45,09% (năm 2006 là 31,9%); trong đó, rừng trồng tăng từ 35 nghìn ha vào tháng 12 năm 2006 (kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2006) lên 98,5 nghìn ha năm 2020 (theo Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh). Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên suy giảm; theo số liệu kiểm kê rừng 1997 (thực hiện theo Chỉ thị 286/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/5/1997), toàn tỉnh có tổng trữ lượng rừng tự nhiên trên 16 triệu m3, đến năm 2016 con số này giảm chỉ còn 14,6 triệu m3 (số liệu kiểm kê rừng năm 2016) do giảm về diện tích và trữ lượng rừng.

- Cơ cấu quy hoạch 3 loại rừng được thay đổi qua từng thời kỳ:

+ Giai đoạn 2007-2016, đất và rừng quy hoạch lâm nghiệp toàn tỉnh là 250 nghìn ha; trong đó, quy hoạch rừng đặc dụng 19.160 ha; chiếm 7,66% (tính trên tổng quỹ đất lâm nghiệp), phòng hộ 101.110 ha; chiếm 40,44% và sản xuất 129.730 ha; chiếm 51,9% (theo Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của UBND tỉnh).

+ Giai đoạn từ 2017 đến nay, đất và rừng quy hoạch lâm nghiệp hơn 276 nghìn ha; trong đó, quy hoạch rừng đặc dụng 19.459 ha; chiếm 7,05% (tính trên tổng quỹ đất lâm nghiệp), phòng hộ 102.718 ha; chiếm 37,21% và sản xuất 153.869 ha; chiếm 55,74% (theo Nghị Quyết 100/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh).

Chỉ tiêu sử dụng đất

QH 3 loại rừng 2007-2016

QH 3 loại rừng từ năm 2017

Diện tích (ha)

So sánh

Tăng (+), giảm (-) ha

Tỷ lệ (%)

Diện tích đất lâm nghiệp

250.000,00

276.046,00

26.046,00

10,42

1. Đất rừng đặc dụng

19.160,00

19.459,45

299,45

1,56

2. Đất rừng phòng hộ

101.110,00

102.718,00

1.608,00

1,59

3. Đất rừng sản xuất

129.730,00

153.868,55

24.138,55

18,61

Tóm lại: Đảng và Chính phủ luôn có quan điểm, định hướng nhất quán và xuyên suốt về vai trò quan trọng của rừng và ngành lâm nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và phải đối mặt với một số khó khăn thách thức trong giai đoạn tới như: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu ổn định, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, chất lượng rừng tự nhiên liên tục suy giảm, năng suất và chất lượng rừng trồng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu…

II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất, cần được cụ thể hóa thành hai mục tiêu chính để phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 của tỉnh, bao gồm: Mục tiêu bảo tồn-phòng hộ và mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp; mục tiêu bảo bảo tồn-phòng hộ cơ bản dành cho đối tượng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, còn mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp chủ yếu dành cho đối tượng rừng sản xuất.

2. Phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng lâm nghiệp từ việc dựa vào mở rộng diện tích sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, hỗ trợ làm giàu rừng tự nhiên kết hợp phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và giá trị sản phẩm tạo ra; phát triển rừng phù hợp quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến, hiện đại; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hài hòa giữa phát triển lâm nghiệp với phát triển kinh tế-xã hội địa phương và các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm đóng góp tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao đời sống người dân miền núi, đảm bảo an toàn môi trường, hạn chế hạn hán, lũ lụt, sạt lở…

3. Đẩy mạnh xã hội hóa và tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp; thu hút các nguồn lực và bảo đảm sự tham gia của các thành phần kinh tế trong hoạt động lâm nghiệp.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát triển lâm nghiệp của tỉnh đảm bảo theo định hướng, mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, Kế hoạch tập trung hai nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là: (1) Bảo vệ rừng tự nhiên hiện còn, phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên đang bị suy thoái làm nền tảng để đạt được các mục tiêu phát triển rừng bền vững, điều tiết nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học; (2) khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát huy lợi thế từng vùng sinh thái của từng địa phương để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp và định hướng phát triển chung của tỉnh.

Đối với tỉnh Phú Yên, mục tiêu chung cần giải quyết trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 gồm 03 nội dung chính, đó là:

1.1. Mục tiêu bảo tồn thiên nhiên: Đặt mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng là ưu tiên hàng đầu của phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050. Quản lý hiệu quả, khôi phục và mở rộng diện tích hợp lý các khu bảo tồn để đảm bảo hành lang kết nối của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

1.2. Mục tiêu phòng hộ: Quản lý rừng bền vững là kim chỉ nam xuyên suốt trong tâm điểm của chiến lược; trong đó, ưu tiên đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên và tái trồng rừng phòng hộ; tập trung xây dựng các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, khôi phục rừng ngập mặn đảm bảo an ninh môi trường, giảm thiểu thiên tai.

1.3. Mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp:

- Tập trung phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến, hiện đại; xây dựng ngành công nghiệp gỗ và sản phẩm lâm nghiệp có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ, trong đó có các loại cây dược liệu, cây thuốc đặc trưng.

- Ứng dụng quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến, gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ, đi đôi với đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng các đặc sản của tỉnh. Khuyến khích sự tham gia của các bên, đặc biệt là khối tư nhân và trao quyền cho cộng đồng địa phương luôn nằm trong tâm điểm của các chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1 Mục tiêu kinh tế

- Quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất rừng sản xuất của tỉnh, trong đó, đưa vào sử dụng hiệu quả khoảng 43 nghìn ha đất trống chưa có rừng. Thực hiện hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng và ổn định công tác quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất theo đề án được duyệt (giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức là 94.029,84 ha; đối hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng là 112.627,15 ha). Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất quản lý bền vững có xác nhận năm 2025 đạt 30% và 50% vào năm 2030.

- Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 150 ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng: 1.000 ha/năm; trồng rừng sản xuất: 6.000 ha/năm.

- Đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

[...]