Kế hoạch 06/KH-UBND bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2014

Số hiệu 06/KH-UBND
Ngày ban hành 27/01/2014
Ngày có hiệu lực 27/01/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Sinh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/KH-UBND

Thái Bình, ngày 27 tháng 01 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2014

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2014 theo chủ đề “Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, siết chặt kiểm soát tải trọng xe và trách nhiệm của người thực thi công vụ” với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với công tác quản lý nhà nước và kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các tổ chức chính trị, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong thực thi công vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% trên cả 3 chỉ số (số vụ, số người chết và số người bị thương).

2. Yêu cầu:

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị phải tích cực tham gia và coi công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên hàng tháng, quý, năm.

- Tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; kiên quyết đình chỉ hoạt động vận tải đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật vẫn đưa vào khai thác kinh doanh vận tải, các phương tiện chở quá tải trọng thiết kế của phương tiện và của công trình giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Tăng cường quản lý chất lượng các công trình giao thông, nâng cao chất lượng xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình giao thông; tập trung mọi nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường.

- Quản lý chặt chẽ đối với nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phương tiện hai bánh chạy điện, mũ bảo hiểm mô tô, xe máy.

- Khuyến khích, nhân rộng mô hình tổ tự quản về an toàn giao thông tại các địa phương, cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản, các câu lạc bộ an toàn giao thông.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:

1. Công tác chỉ đạo:

- Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tỉnh.

- Tổng hợp chương trình hoạt động và kết quả hoạt động hàng tháng của các địa phương, đơn vị; hàng tháng tổ chức giao ban về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kịp thời biểu dương những cá nhân, đơn vị, địa phương thực hiện tốt đồng thời phê bình những cá nhân, đơn vị, địa phương thực hiện yếu, kém về công tác bảo đảm an toàn giao thông.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh, xây dựng quy chế hoạt động về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Các ban, ngành, đơn vị, các tổ chức xã hội, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố hàng tháng tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động trong tháng và lập kế hoạch hoạt động chi tiết của tháng kế tiếp gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh trước ngày 25 hàng tháng; Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, theo dõi việc thực hiện của các địa phương, đơn vị để đưa vào bình xét thi đua hàng năm.

- Đưa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt hàng tháng của các chi bộ; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

- Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2985/UBND-CN ngày 07/11/2013 về thông báo, kiểm điểm, giáo dục người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác tuyên truyền:

- Huy động mọi phương tiện, nguồn lực và cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, tôn giáo, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về trật tự an toàn giao thông tới từng tổ dân phố, cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đổi mới phương thức tuyên truyền, tuyên truyền có hiệu quả.

- Nội dung tuyên truyền: Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chú trọng một số nội dung về quản lý công tác vận tải theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Nghị định số 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt; phòng chống uống rượu, bia đối với lái xe; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, của người thi hành công vụ đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Tuyên truyền các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong hoạt động chở khách ngang sông.

- Hình thức tuyên truyền: Sử dụng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, video, mở các lớp truyền thông trực tiếp tới từng khu dân cư; viết tin, bài cho Chuyên mục an toàn giao thông trên phương tiện thông tin đại chúng, chuyên trang An toàn giao thông trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh tuyên truyền từ cơ sở; đặc biệt phát huy hiệu quả tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương; mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ của lực lượng làm công tác tuyên truyền, tăng cường tính chuyên nghiệp của cán bộ chuyên trách an toàn giao thông.

3. Công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp xây dựng các công trình giao thông, tổ chức giao thông:

- Bố trí hợp lý nguồn kinh phí, tận dụng mọi nguồn vốn để duy tu, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ xây dựng nông thôn mới và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

[...]