Kế hoạch 28/KH-UBND năm 2021 triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 28/KH-UBND
Ngày ban hành 23/01/2021
Ngày có hiệu lực 23/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TNH THỪA THIÊN HU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP TRÊN CÁC CÂY TRỒNG CHỦ LỰC, CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO KINH TẾ CAO VÀ CÓ TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 10/5/2018 về việc thực hiện Đề án ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng đến năm 2020. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện.

Sau 3 năm thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh, đã đạt các kết quả như sau: Đã tổ chức 86 lớp huấn luyện nông dân với 3.440 lượt người tham gia. Trên cây lúa đã thực hiện 31 mô hình ứng dụng IPM với diện tích 300 ha; 79 mô hình ứng dụng SRI với diện tích 144,57 ha; 185 mô hình ứng dụng 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm với diện tích 1.310 ha; diện tích nông dân đã áp dụng nhân rộng IPM vào sản xuất lúa khoảng 5.000 ha. Trên cây rau diện tích ứng dụng IPM khoảng 408,5 ha; trên cây lạc diện tích ứng dụng IPM khoảng 290 ha. Trên cây ăn quả diện tích ứng dụng IPM khoảng 100 ha. Chương trình IPM áp dụng vào sản xuất đã có những kết quả góp phần giảm sử dụng phân đạm urê 20-40kg/ha, lượng giống gieo sạ giảm 20-40kg/ha, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật/vụ, năng suất tăng 1-2 tạ/ha, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với đối chứng từ 1.500.000-3.000.000 đồng/ha; giúp nâng cao kiến thức cho người nông dân trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Tuy vậy, việc áp dụng IPM vào sản xuất còn hạn chế, chưa phổ cập, nhân rộng, một phần là do một số địa phương thiếu quan tâm, vẫn chưa xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện, nhiều nông dân vẫn chưa thực sự hưởng ứng, áp dụng IPM vào sản xuất.

Thực hiện Chỉ thị số 8142/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các loại cây trồng chủ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại do sinh vật gây hại; giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất cây trồng; giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn thực phẩm, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững trên cơ sở cân bằng hệ sinh thái để quản lý dịch hại và bảo tồn thiên địch, thông qua áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt từ nay đến năm 2025 của tỉnh, cụ thể:

- Đào tạo giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân áp dụng IPM trên cây lúa, rau và cây ăn quả,... và hơn 5.000 nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã,...hiểu biết và áp dụng về quản lý dịch hại tổng hợp vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trên cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả,... theo Kế hoạch phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh đến 2025.

- Đối với cây lúa: Có 80% diện tích lúa được ứng dụng IPM; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học giảm 15- 30%, lượng phân đạm giảm 10-20%, lượng giống giảm 10-20%, lượng nước tưới giảm 20%, lợi nhuận tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường.

- Đối với cây rau: Có 70% diện tích ứng dụng IPM; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm 15-30%, lượng phân đạm giảm 20%, lượng giống giảm 20% và tăng hiệu quả sản xuất 15-20%.

- Đối với cây ăn quả: Có 70% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm 15-30% và tăng hiệu quả sản xuất 15-20%.

- Đối với cây sen: Phấn đấu có khoảng 70% diện tích trồng sen ứng dụng IPM; trên 70-80% số hộ nông dân sản xuất ứng áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm 15-30% và tăng hiệu quả sản xuất 15-20%.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đào tạo nguồn nhân lực

a) Tổ chức khóa đào tạo thông qua tập huấn đội ngũ giảng viên chính TOT (Training of trainer) và FFS (The farmer field school) cấp tỉnh, huyện

- Đối tượng: Cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; cán bộ kỹ thuật của các huyện, thị xã, thành phố.

- Yêu cầu: Giảng viên qua đào tạo TOT do Cục Bảo vệ thực vật cấp chứng nhận.

- Nội dung đào tạo: Lý thuyết (kỹ năng giảng dạy, tổ chức lớp học, ...) và thực hành huấn luyện FFS.

b) Tổ chức các lớp FFS cho nông dân, tập huấn nông dân

- Đối tượng: Là nông dân nòng cốt, trực tiếp tham gia sản xuất.

- Yêu cầu: Giảng viên đã qua huấn luyện TOT, mỗi lớp 2 giảng viên phụ trách.

- Tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM (trồng cây khỏe, bảo vệ sinh vật có ích, ...), quy trình 3 giảm 3 tăng, quy trình VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ trên một số cây trồng như cây lúa, rau, bưởi Thanh Trà, cam Nam Đông, các loại cây dược liệu,...

- Huấn luyện nông dân (FFS), tập huấn tại hiện trường.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng về nguy cơ do hóa chất bảo vệ thực vật gây ra đối với sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.

2. Xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trên cơ sở Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020 và giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; kế hoạch s238/KH-UBND ngày 09/11/2020 của UBND tỉnh về phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025; kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển vùng nguyên liệu Thanh Trà; kế hoạch phát triển trồng sen giai đoạn 2021-2025; xây dựng mô hình IPM trên một số cây trồng chủ lực sau:

- Đối với lúa gạo chất lượng cao: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn, mô hình liên kết, mô hình áp dụng IPM, mô hình sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP, mô hình tưới nước tiết kiệm, giảm lượng giống gieo sạ trên đơn vị diện tích, giảm phân bón, sử dụng giống kháng sâu bệnh, luân canh, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch hại,... đặc biệt quan tâm xây dựng các mô hình, cánh đồng sản xuất giống lúa đảm bảo an toàn, chất lượng cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất (bún, bánh, ...) tại các làng nghề theo Chương trình OCOP và Chương trình Nông thôn mới.

- Đối với cây rau má: Tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất rau má an toàn theo hướng VietGAP, sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh, thảo mộc, bẫy bả, ... trong công tác phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại. Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học trong việc phòng trừ các đối tượng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

[...]