Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2017 "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 02/KH-UBND
Ngày ban hành 05/01/2017
Ngày có hiệu lực 05/01/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 05 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2017 “ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ”

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Thành ủy về nhiệm vụ năm 2017; Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2016 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017; trong đó, xác định Chủ đề năm 2017 là “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”.

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chủ đề năm 2017 với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Thành ủy về nhiệm vụ năm 2017 và Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2016 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017. Triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đổi mới mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển đô thị văn minh, xây dựng xã nông thôn mới. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Khuyến khích khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tăng cường hội nhập quốc tế. Xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử; đẩy mạnh cải cách hành chính; không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến tích cực trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Một số mục tiêu cụ thể

- Tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,8%; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,7% so với năm 2016.

- GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 72,6 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm 2016.

- Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,74%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,65% và dịch vụ chiếm 58,61% GRDP.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 1.670 triệu USD, tăng 7,5%.

- Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 55.000 tỷ đồng; trong đó: nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chiếm 33,7%; nguồn vốn ngoài nhà nước chiếm 62,9%; đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 3,4%.

- Giải quyết việc làm cho 50.200 lao động.

- Công nhận thêm 06 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

II. NHIỆM VỤ

1. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn theo tinh thần Kết luận số 07-KL/TW ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

2. Đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư nước ngoài đi vào thiết thực, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp; quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất sạch ở các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư vào thành phố; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong giải quyết các thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp và Nhân dân.

3. Tăng cường hiệu quả liên kết hợp tác với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020” góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào thành phố.

4. Đẩy nhanh thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; tiếp tục sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

5. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài; đổi mới nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu mới có nhiều tiềm năng thông qua các kênh ngoại giao của Đại sứ, Tổng lãnh sự. Tiếp tục tranh thủ các kênh ngoại giao, các mối quan hệ vận động tài trợ cho các dự án, ưu tiên đầu tư từ nước ngoài để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin,...

6. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo thần Nghị quyết của Thành ủy “Về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”; đổi mới cách thức tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân đối với các thành phố ký kết nghĩa, đi vào thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào thành phố.

7. Phát triển đa dạng khu vực thương mại - dịch vụ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, các dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh, theo hướng văn minh hiện đại; đa dạng các loại thị trường bán lẻ, khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại, nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ truyền thống.

8. Xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chủ động, tích cực liên hệ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn chương trình mục tiêu để đầu tư các công trình trọng điểm của thành phố. Tăng cường công tác đối ngoại; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

9. Quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí. Quyết liệt trong công tác bồi hoàn thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư không đảm bảo năng lực, chậm triển khai thực hiện các dự án gây bức xúc trong Nhân dân. Huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển thành phố.

10. Cải thiện chất lượng môi trường, tập trung xử lý ô nhiễm, nhất là tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các làng nghề, cụm công nghiệp, lưu vực sông và các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Kiên quyết không chấp thuận đầu tư, cấp phép, triển khai các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

11. Triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, đề án về giảm quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Thường xuyên tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho Nhân dân.

12. Tăng cường công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm; tiếp tục triển khai thực hiện dự án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

[...]