Hướng dẫn làm việc với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự, 1997

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 21/07/1997
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC HƯỚNG DẪN LÀM VIỆC VỚI TRẺ EM TRONG HỆ THỐNG TƯ PHÁP HÌNH SỰ, 1997

(Được khuyến nghị bởi Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc trong Nghị quyết số 1997/30 ngày 21/7/1997).

1. Chiếu theo Nghị quyết số 1996/13 ngày 23/7/1996 của Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Các hướng dẫn này được xây dựng bởi một nhóm chuyên gia trong thời gian làm việc từ ngày 23 đến 25/2/1997 tại Viên, với sự tài trợ của chính phủ Áo. Khi xây dựng văn kiện này, các chuyên gia đã nghiên cứu các ý kiến và thông tin gửi tới từ các chính phủ.

2. Hai mươi chín chuyên gia từ 11 nước ở các khu vực khác nhau, cùng với đại diện của Trung tâm Quyền con người trực thuộc Ban Thư ký Liên Hợp Quốc, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban về quyền trẻ em, và các quan sát viên thuộc các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến vấn đề tư pháp người chưa thành niên đã tham gia cuộc họp này.

3. Văn kiện này được gửi tới Tổng Thư ký và các cơ quan, chương trình có liên quan của Liên Hợp Quốc, các Quốc gia thành viên Công ước về quyền trẻ em để hỗ trợ việc thực hiện công ước này, cũng như tới các Quốc gia thành viên đang sử dụng và áp dụng Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về áp dụng tư pháp với người chưa thành niên (Các quy tắc Bắc Kinh), các Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật (các Hướng dẫn Ri-át) và Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do, mà sau đây được gọi chung là các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên.

I. CÁC MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CẦN ĐƯỢC XEM XÉT

4. Mục đích của các Hướng dẫn này là nhằm cung cấp một khuôn khổ để đạt được các mục tiêu sau đây:

a. Để thực hiện Công ước về quyền trẻ em và đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công ước mà liên quan đến trẻ em trong bối cảnh tư pháp người chưa thành niên, cũng như để sử dụng và áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên và những văn kiện khác có liên quan, chẳng hạn như Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản về công lý cho các nạn nhân của tội phạm và sự lạm dụng quyền lực.

b. Để thuận tiện cho việc cung cấp sự trợ giúp cho các Quốc gia thành viên trong việc thực hiện có hiệu quả Công ước về quyền trẻ em và các văn kiện có liên quan.

5. Để bảo đảm sử dụng có hiệu quả các Hướng dẫn này, việc tăng cường sự hợp tác giữa các chính phủ, các cơ quan có liên quan trong hệ thống Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên môn, giới truyền thông, các cơ quan học thuật, trẻ em và các thành viên của xã hội dân sự là yếu tố thiết yếu.

6. Các Hướng dẫn này cần được dựa trên nguyên tắc là các Quốc gia thành viên có trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em.

7. Cơ sở cho việc sử dụng các Hướng dẫn này là những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em.

8. Khi sử dụng bản Hướng dẫn này ở cả hai cấp độ quốc gia và quốc tế, phải quan tâm đến những yếu tố sau đây:

a. Tôn trọng nhân phẩm của con người, phù hợp với bốn nguyên tắc chung được nêu ra trong Công ước về quyền trẻ em, bao gồm: không phân biệt đối xử, kể cả không phân biệt đối xử về giới tính; dành những lợi ích tốt nhất cho trẻ em; quyền được sống, tồn tại và phát triển; và tôn trọng quan điểm của trẻ em;

b. Một sự định hướng dựa trên cơ sở quyền;

c. Một cách tiếp cận thể chế về thực hiện công ước thông qua việc tối đa hóa các nguồn lực và nỗ lực;

d. Tích hợp các dịch vụ dựa trên một cơ sở chiến lược;

e. Sự tham gia của trẻ em và các bộ phận có liên quan trong xã hội;

f. Trao quyền cho các đối tác thông qua một tiến trình phát triển;

g. Tính bền vững không phụ thuộc vào những chủ thể bên ngoài;

h. Sự áp dụng và tiếp cận công bằng với những đối tượng có nhu cầu cấp thiết nhất;

i. Tính tin cậy và minh bạch của quá trình hoạt động;

j. Sự phản hồi tích cực dựa trên những biện pháp phục hồi và phòng ngừa có hiệu quả.

9. Các nguồn lực thích đáng (về con người, tổ chức, công nghệ, tài chính và thông tin) cần được huy động và sử dụng một cách hiệu quả ở mọi cấp độ (quốc tế, khu vực, quốc gia, tỉnh và cơ sở) và trong sự hợp tác với các đối tác có liên quan, bao gồm các chính phủ, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên môn, giới truyền thông, các cơ quan học thuật, trẻ em và những thành viên khác của xã hội dân sự, cũng như với những đối tác khác.

II. CÁC KẾ HOẠCH NHẰM THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TRẺ EM, THEO ĐUỔI CÁC MỤC TIÊU CỦA CÔNG ƯỚC, SỬ DỤNG VÀ ÁP DỤNG CÁC QUY TẮC, TIÊU CHUẨN CỦA LIÊN HỢP QUỐC TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN.

A. Các biện pháp áp dụng chung

10. Cần thấy được tầm quan trọng của một cách tiếp cận quốc gia nhất quán và toàn diện trên lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên, dựa trên cơ sở tôn trọng tính liên kết, không thể chia cắt của tất cả các quyền của trẻ em.

11. Cần thực hiện các biện pháp liên quan tới việc hoạch định chính sách, ban hành quyết định, lãnh đạo và cải cách, nhằm bảo đảm rằng:

a. Các nguyên tắc và quy định của Công ước về quyền trẻ em cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên cần phải được phản ánh đầy đủ trong hệ thống pháp luật và thực tiễn của quốc gia và địa phương, đặc biệt là thông qua việc thiết lập một hệ thống tư pháp người chưa thành niên hướng tới trẻ em, mà có thể bảo đảm các quyền của trẻ em, ngăn chặn sự vi phạm các quyền của trẻ em, thúc đẩy ý thức về nhân phẩm và giá trị của trẻ em, và tôn trọng đầy đủ các yếu tố về độ tuổi, giai đoạn phát triển, quyền được tham gia thực sự và sự đóng góp của trẻ em với xã hội;

b. Những nội dung có liên quan trong các văn kiện đã đề cập ở trên cần phải được phổ biến một cách rộng rãi tới trẻ em, bằng các loại ngôn ngữ mà trẻ em đang sử dụng. Thêm vào đó, nếu thích hợp, cần có các thủ tục cần thiết để bảo đảm rằng mỗi và mọi trẻ em được cung cấp các thông tin có liên quan đến các quyền của các em như đã được nêu trong các văn kiện đó, ít nhất là khi các em có lần đầu tiên liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự, và để nhắc nhở các em tuân thủ những nghĩa vụ pháp luật;

[...]