Hướng dẫn 678/NHCS-TD năm 2007 thực hiện cho vay vốn theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

Số hiệu 678/NHCS-TD
Ngày ban hành 22/04/2007
Ngày có hiệu lực 22/04/2007
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Hà Thị Hạnh
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Văn hóa - Xã hội

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 678/NHCS-TD

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY VỐN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 32/2007/QĐ-TTG NGÀY 05/3/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Quyết định 32), Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn nội dung thực hiện trong toàn hệ thống như sau:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC HIỂU VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:

1. Nơi cư trú hợp pháp của hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người vay theo quy định thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống được Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận (mẫu số 03/TD).

Đại diện hộ vay vốn chịu trách nhiệm giao dịch với NHCSXH, là người có tên trong danh sách hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn do UBND cấp xã lập và UBND huyện phê duyệt.

2. Phương hướng, phương án sản xuất

Phương hướng, phương án, dự án sản xuất gọi chung là phương án sản xuất. Nội dung của phương án sản xuất chỉ yêu cầu người vay vốn trả lời được câu hỏi: vay vốn để làm gì, số lượng vật tư cần mua sắm, số tiền xin vay, thời hạn vay vốn.

Hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn NHCSXH (sau đây gọi là người vay) được UBND hoặc tổ chức chính trị - xã hội thôn, bản hướng dẫn lập và chỉ dẫn cách thức thực hiện phương án sản xuất (mẫu số 01/TD “Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ”).

3. Mức cho vay

3.1. Thực hiện theo quy định tại tiết b điểm 2 Điều 2 Quyết định 32. Người vay có thể vay một hoặc nhiều lần, nhưng tổng dư nợ một hộ ở mọi thời điểm không vượt quá 5 triệu đồng/hộ.

3.2. Trường hợp địa phương có nguồn ngân sách hỗ trợ thêm để cho vay trên mức 5 triệu đồng/hộ theo Quyết định 32, thì NHCSXH thực hiện theo Quyết định của UBND địa phương.

Trường hợp các hộ có nhu cầu vay vốn ngoài mức quy định trên, thì áp dụng chính sách cho vay hộ nghèo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

4. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của người vay, nhưng thời hạn cho vay tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

5. Phương thức cho vay

Thực hiện theo phương thức uỷ thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Cơ chế uỷ thác cho vay theo Quyết định 32 tương tự như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đối với những nơi đã có Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động, nếu người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV thì phải gia nhập Tổ TK&VV và được Tổ TK&VV tổ chức kết nạp để người vay có điều kiện làm thủ tục vay vốn NHCSXH.

Đối với những nơi chưa có Tổ TK&VV đang hoạt động thì thành lập Tổ TK&VV mới theo quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ TK&VV.

II. THỦ TỤC, QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ CHO VAY

1. Hồ sơ vay vốn

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD).

- Biên bản họp Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD).

- Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn (mẫu số 03/TD).

2. Quy trình cho vay

2.1. Khi người vay có nhu cầu vay vốn, Tổ TK&VV hoặc tổ chức chính trị - xã hội thôn bản, hoặc UBND cấp xã hỗ trợ người vay lập Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD) gửi Tổ TK&VV.

2.2. Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở và Ban xoá đói giảm nghèo cấp xã tổ chức họp, đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với danh sách hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn do UBND cấp huyện đã phê duyệt, đồng thời bình xét công khai, dân chủ theo thứ tự ưu tiên, đối tượng chính sách, người khó khăn hơn được vay vốn trước (trường hợp nguồn vốn chưa đủ để cho vay), sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn (mẫu số 03/TD) kèm Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/TD) gửi UBND cấp xã xác nhận.

[...]