Hướng dẫn 38/HD-TLĐ năm 2021 quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 38/HD-TLĐ
Ngày ban hành 28/10/2021
Ngày có hiệu lực 28/10/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Phan Văn Anh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỬ DỤNG KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CÔNG ĐOÀN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20/6/2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2018;

- Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;

- Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

- Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính - Bộ nội vụ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

- Các văn bản hiện hành quy định về quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, Tổng Liên đoàn;

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan công đoàn như sau:

II. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Đối tượng thực hiện:

Là các đơn vị dự toán tài chính công đoàn có tài khoản, có con dấu riêng, được cấp có thẩm quyền giao biên chế và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp giao dự toán tài chính công đoàn hàng năm (sau đây gọi là cơ quan thực hiện chế độ tự chủ), bao gồm:

- Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN; Cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Cơ quan Công đoàn ngành TW và tương đương; Cơ quan Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ;

- Cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở;

2. Nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm:

Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Không tâng biên chế, trừ trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Không tăng kinh phí quản lý hành chính được giao, trừ trường hợp do điều chỉnh nhiệm vụ; cấp có thẩm quyền điều chỉnh biên chế, thay đổi định mức phân bổ dự toán; Nhà nước thay đổi chính sách tiền lương.

- Quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.

III. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan công đoàn là nguồn thu được quy định tại các văn bản quản lý tài chính, tài sản của Tổng Liên đoàn LĐVN.

2. Xác định kinh phí để giao thực hiện chế độ tự chủ:

Khoán quỹ tiền lương và kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được xác định và giao hàng năm, bao gồm:

a) Khoán quỹ tiền lương và kinh phí quản lý hành chính:

- Khoán quỹ tiền lương theo số biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

[...]