Hướng dẫn 22-HD/VPTW năm 2017 về ban hành văn bản của cơ quan lãnh đạo đảng cấp tỉnh, thành phố do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 22-HD/VPTW
Ngày ban hành 22/03/2017
Ngày có hiệu lực 22/03/2017
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Bùi Văn Thạch
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 22-HD/VPTW

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

VỀ BAN HÀNH MỘT SỐ VĂN BẢN CỦA CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO ĐẢNG CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Kết luận số 49-KL/TW, ngày 12/6/2009 của Bộ Chính trị khoá X về một số vấn đề đổi mới cách ra nghị quyết, chỉ thị và việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng;

- Căn cứ Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16/8/2010 của Bộ Chính trị khoá X về cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng;

- Căn cứ Quyết định số 189-QĐ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng;

- Căn cứ Quy định số 66-QĐ/TW, ngày 06/02/2017 của Ban Bí thư về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng;

- Căn cứ kết luận của Ban Bí thư họp ngày 13/12/2016,

Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn về ban hành một số văn bản của các cơ quan lãnh đạo đảng cấp tỉnh, thành phố như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1- Phạm vi điều chỉnh

Hướng dẫn về hệ thống văn bản, nguyên tắc ban hành, thể loại, thể thức, thời hiệu thi hành của một số văn bản của các cơ quan lãnh đạo đảng cấp tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp uỷ tỉnh). Quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan trong chuẩn bị, xây dựng đề án, báo cáo, tờ trình và dự thảo các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ tỉnh; quy trình thảo luận, thông qua, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ tỉnh.

2- Đối tượng áp dụng

Áp dụng trực tiếp, thống nhất cho cấp uỷ tỉnh.

Điều 2. Văn bản và hệ thống văn bản của cấp uỷ tỉnh

Văn bản của cấp uỷ tỉnh là văn bản thuộc loại hình tài liệu được thể hiện bằng ngôn ngữ viết để ghi lại các sự kiện lớn, các quyết định có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của các cơ quan lãnh đạo đảng bộ tỉnh, thành phố (đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố; tỉnh uỷ, thành uỷ; ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ), được ban hành theo nguyên tắc, thủ tục quy định trong Điều lệ Đảng, trong các quy định của Trung ương và Hướng dẫn này.

Hệ thống văn bản của cấp uỷ tỉnh được quy định tại Điều 7, Quy định số 66-QĐ/TW, ngày 06/02/2017 của Ban Bí thư về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng.

Điều 3. Nguyên tắc ban hành văn bản của cấp uỷ tỉnh

Cấp uỷ tỉnh ban hành văn bản phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng, các quy định của Trung ương và quy chế làm việc của tỉnh uỷ, thành uỷ; đúng với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các văn bản của cấp uỷ tỉnh phải được viết bằng tiếng Việt, văn phong chính luận, chuẩn mực và chặt chẽ, từ ngữ, văn phạm chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu; cấu trúc phù hợp về thể loại và đúng về thể thức theo quy định của Đảng.

Văn bản của cấp uỷ tỉnh chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản của chính cấp uỷ tỉnh đã ban hành hoặc bằng văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều 4. Một số thể loại văn bản của cấp uỷ tỉnh

1- Báo cáo chính trị

Báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết đại hội, nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ với thực hiện Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các nghị quyết của Trung ương; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của đảng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ tới.

2- Báo cáo sơ kết, tổng kết

Báo cáo sơ kết, tổng kết là báo cáo trình bày về tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ, thành uỷ trong một thời gian nhất định, nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

3- Đề án để ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo

[...]