Hướng dẫn 10/HD-VKSTC năm 2024 nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 10/HD-VKSTC
Ngày ban hành 29/05/2024
Ngày có hiệu lực 29/05/2024
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hồ Đức Anh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2024

 

HƯỚNG DẪN

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án hình sự được coi là một phương pháp làm việc mới, khoa học, hiệu quả, giúp Lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm bắt nhanh chóng, chính xác bản chất hành vi phạm tội và những vấn đề cần chứng minh của vụ án; làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu để định hướng điều tra, quyết định truy tố và tranh tụng tại phiên tòa. Kỹ năng thiết lập và sử dụng thuần thục Sơ đồ tư duy sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay.

Thực hiện Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 30/12/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giao nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học, đề án năm 2023, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế hướng dẫn một số nội dung cơ bản để thực hiện như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi

Văn bản này hướng dẫn một số nội dung cơ bản về nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy và kỹ năng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm/ tái thẩm). Các vụ án hình sự được áp dụng có một trong các đặc điểm như quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất, mức độ hành vi phạm tội phức tạp, hậu quả thiệt hại lớn, nhiều bị can, nhiều bị hại; các vụ án thuộc diện cấp ủy Trung ương và địa phương chỉ đạo; các vụ án có bị can, bị cáo kêu oan; các vụ án dư luận xã hội quan tâm hoặc các vụ án hình sự khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị.

1.2. Đối tượng

Áp dụng đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát các cấp khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

2. Mục đích

- Góp phần nắm chắc tiến độ, kết quả chứng minh vụ án để đưa ra yêu cầu điều tra, quyết định truy tố, tranh tụng tại phiên toà, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, sử dụng Sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án hình sự.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

1. Khái quát chung

1.1. Về chủ thể và thời điểm xây dựng sơ đồ tư duy

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có trách nhiệm nghiên cứu chứng cứ, tài liệu, hồ sơ vụ án hình sự để xây dựng sơ đồ tư duy ngay sau khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị[1].

1.2. Đối tượng sử dụng sơ đồ tư duy

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sử dụng sơ đồ tư duy như tài liệu quan trọng trong nghiên cứu hồ sơ vụ án, hệ thống chứng cứ, tài liệu để báo cáo vụ án hình sự, xây dựng cáo trạng và tranh tụng, đối đáp tại phiên tòa.

Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị sử dụng sơ đồ tư duy cùng với báo cáo án để đưa ra quan điểm xử lý và cho ý kiến chỉ đạo.

1.3. Số lượng sơ đồ tư duy trong vụ án hình sự

Quá trình giải quyết vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể xây dựng một sơ đồ tổng thể vụ án để có một bức tranh tổng thể và cái nhìn khái quát nhất về vụ án, từ đó giúp định hướng giải quyết vụ án rõ ràng và đúng hướng. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ của từng vụ án khác nhau mà Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lựa chọn xây dựng một hay nhiều sơ đồ tư duy bổ trợ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Qua các giai đoạn tố tụng khác nhau, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chủ động và linh hoạt trong việc chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật kết quả giải quyết trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu mới thu thập được.

1.4. Cách thức sử dụng sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được sử dụng dưới dạng bản mềm để nghiên cứu hoặc in ra gửi kèm theo Báo cáo đề xuất, Cáo trạng hoặc sử dụng để thuyết minh khi trình chiếu báo cáo án trực tiếp với Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị; sử dụng cho hoạt động tranh tụng và đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa; được lưu trữ trong hồ sơ kiểm sát và không thay thế Báo cáo đề xuất theo quy định, quy chế ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Một số loại sơ đồ tư duy điển hình

2.1. Sơ đồ hình tròn

Sơ đồ tư duy hình tròn là sơ đồ bao gồm một hay nhiều vòng tròn nhỏ để chỉ ra nội dung, vấn đề trọng tâm và những thông tin bổ trợ cho nội dung, vấn đề trọng tâm; phân tích, đánh giá, làm rõ các vấn đề phát sinh như các yếu tố cấu thành tội phạm; chứng cứ, tài liệu; diện đối tượng khi tiếp nhận một vụ án hình sự mới[2]. Tùy theo nội dung, mục đích của sơ đồ cần thể hiện, khi xây dựng sơ đồ tư duy hình tròn có thể đặt ra các câu hỏi như “Chúng ta cần làm rõ vấn đề gì trong vụ án này?” ở vòng tròn bên trong và xem sự tương tác được phát triển dần ở các vòng tròn bên ngoài, việc lấp đầy sơ đồ vòng tròn có thể phá vỡ khoảng cách và khuyến khích Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trình bày ý tưởng. Tuy nhiên, hạn chế của sơ đồ tư duy hình tròn là lượng thông tin có thể đưa vào trong sơ đồ là không nhiều, do đó, trường hợp xây dựng sơ đồ tư duy hình tròn thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần có thêm sơ đồ bổ trợ khác nhằm bổ sung thêm cho các thông tin đã trình bày[3].

2.2. Sơ đồ hình luồng hoặc đa luồng

[...]