Hướng dẫn 34/HD-VKSTC năm 2022 về kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 34/HD-VKSTC
Ngày ban hành 29/11/2022
Ngày có hiệu lực 29/11/2022
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lại Viết Quang
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

KỸ NĂNG PHÁT HIỆN VI PHẠM TRONG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỂ KHÁNG NGHỊ, KIẾN NGHỊ

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát năm 2022; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) ban hành hướng dẫn kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp cần nhận thức và áp dụng đúng pháp luật trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, kể cả các quy định của luật tố tụng và luật nội dung như luật hình sự, dân sự, các pháp luật chuyên ngành khác, làm cơ sở cho việc phát hiện, xác định đúng vi phạm của các cơ quan tố tụng.

2. Phải thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, từ đó làm cơ sở để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử được thực hiện chính xác, đầy đủ, toàn tiện, đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao.

3. Phải kiểm sát 100% số bản án, quyết định của Tòa án, theo đúng Quyết định 139/QĐ-VKSTC ngày 29/04/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hệ thống chỉ tiêu công tác của ngành, phát hiện kịp thời, đầy đủ các vi phạm để kháng nghị, kiến nghị, không để bản án, quyết định nào có vi phạm mà không được xem xét xử lý.

4. Đảm bảo thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội, của ngành về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Quyết định 139 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đặc biệt là các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị; tránh các trường hợp việc giải quyết vụ án có vi phạm, bị hủy, sửa ở cấp trên nhưng Viện kiểm sát cấp dưới không phát hiện để kháng nghị; hạn chế việc phải rút kháng nghị do không có căn cứ hoặc Tòa án không chấp nhận do chất lượng kháng nghị chưa tốt.

II. NHẬN DIỆN CÁC DẠNG VI PHẠM THƯỜNG GẶP

Trong quá trình theo dõi công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát các cấp nhận thấy một số dạng vi phạm, chủ yếu như sau:

1. Vi phạm về luật nội dung

Bao gồm tất cả những vi phạm của cơ quan tố tụng trong việc áp dụng pháp luật về nội dung để giải quyết vụ án; chủ yếu là Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác. Trong thực tế thường gặp 10 dạng vi phạm về luật nội dung như sau:

1.1. Bỏ lọt tội phạm

Đây là trường hợp có hành vi phạm tội nhưng Cơ quan điều tra không khởi tố điều tra tội phạm, Viện kiểm sát không truy tố dẫn đến Tòa án không xét xử. Việc bỏ lọt tội phạm xảy ở một số dạng: bỏ lọt người phạm tội, bỏ lọt tội danh hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội, không điều tra, truy tố, xét xử về hành vi đó.

- Bỏ lọt người phạm tội thường xảy ra trong vụ án đồng phạm, cơ quan tố tụng bỏ lọt không truy cứu đối với người giúp sức, người thực hiện, người xúi giục, thậm chí cả người chủ mưu, cầm đầu.

- Bỏ lọt tội danh khi một người có nhiều hành vi phạm tội, phạm vào nhiều tội danh khác nhau song cơ quan tố tụng không xem xét, truy cứu hết các tội danh đó mà chỉ truy cứu một số và bỏ lại một số tội danh khác. Ví dụ như bị cáo có hành vi hiếp dâm sau đó giết nạn nhân, phạm vào hai tội “hiếp dâm” và “giết người”, song cơ quan tố tụng chỉ truy cứu tội “giết người” mà bỏ qua tội “hiếp dâm”.

- Bỏ lọt hành vi phạm tội khi đối tượng thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng chỉ điều tra, truy tố, xét xử một số hành vi còn bỏ lại một số hành vi không xem xét. Ví dụ như bị cáo trộm cắp tài sản năm lần, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội “trộm cắp tài sản”, cơ quan tố tụng chỉ kết luận bị cáo trộm cắp hai lần, dẫn đến việc đánh giá tính chất mức độ phạm tội không chính xác, đưa ra hình phạt quá nhẹ, không nghiêm đối với bị cáo.

1.2. Vi phạm về việc định tội danh

Có 4 dạng vi phạm, là các trường hợp kết án người không phạm tội, kết án về tội danh nặng hơn, nhẹ hơn hoặc tội danh ngang bằng nhưng không đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.

Trường hợp kết án người không phạm tội không chỉ có lỗi của Tòa án mà trước đó là lỗi của Viện kiểm sát và của Cơ quan điều tra trong trường hợp cơ quan này đề nghị truy tố. Người đó có thể không có hành vi phạm tội hoặc có hành vi phạm tội và bị kết án nhưng thực tế không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm.

1.3. Vi phạm về áp dụng khung hình phạt

Có 02 dạng vi phạm, Tòa án áp dụng khung hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Còn có tình trạng Tòa án xử dưới khung hình phạt không đủ căn cứ theo Điều 54 Bộ luật hình sự.

1.4. Vi phạm về áp dụng mức hình phạt

Việc áp dụng sai khung hình phạt như trên thường dẫn đến hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ.

Bên cạnh đó là trường hợp Tòa án áp dụng đúng khung hình phạt, nhưng áp dụng mức phạt cụ thể không phù hợp. Ví dụ như bị cáo phạm tội “giết người” với khung hình phạt là tù 12 năm, 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Với tính chất mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tập trung nhiều tình tiết tăng nặng, bị cáo phải bị phạt tử hình nhưng Tòa án lại xử phạt bị cáo 20 năm tù; hoặc ngược lại bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chỉ cần phạt bị cáo 20 năm tù, nhưng Tòa án lại xử phạt bị cáo tử hình.

1.5. Vi phạm về phạt tù cho hưởng án treo

Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về án treo và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Nghị quyết số 02/2018/ NQ-HĐTP ngày 15/5/2018; Nghị quyết số 01/2022/ NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2018 quy định rõ những trường hợp không cho hưởng án treo.

Trên thực tế có những bản án của Tòa án cho bị cáo hưởng án treo khi không đủ các điều kiện quy định tại Bộ luật hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán. Ví dụ như luật quy định bị cáo có tiền án, tiền sự, phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và các lần phạm tội từ nghiêm trọng trở lên, là đối tượng chủ mưu cầm đầu không được cho hưởng án treo, nhưng Tòa án vẫn cho bị cáo hưởng án treo.

[...]