Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hướng dẫn 26/HD-VKSTC năm 2021 một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 26/HD-VKSTC
Ngày ban hành 07/06/2021
Ngày có hiệu lực 07/06/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Kim Sáu
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ KỸ NĂNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VỀ THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ

Kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một nội dung của công tác kiểm sát THADS và là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, giao cho ngành Kiểm sát nhân dân trách nhiệm theo dõi, báo cáo. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nhiệm vụ này vào chỉ thị công tác và kế hoạch công tác của Ngành. Hoạt động kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có tính đặc thù nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kỹ năng kiểm sát nên quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên còn gặp nhiều lúng túng, không kịp thời phát hiện vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan THADS, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, làm hạn chế việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát và hiệu quả thu hồi tài sản.

Tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 30/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 và Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 05/01/2021 của VKSND tối cao về công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2021, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) được giao nhiệm vụ: “Hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, VKSND tối cao (Vụ 11) hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát loại việc này như sau:

I. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG KIỂM SÁT THADS VỀ THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ

1. Về nội dung kiểm sát

Đối với việc THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là thi hành phần bản án, quyết định hình sự có liên quan đến tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế quy định tại Điều 1 Luật THADS, bao gồm phần tài sản được thu hồi cho Nhà nước (các loại tài sản để sung công quỹ) và tài sản được trao trảcho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, tương ứng với 02 loại việc thi hành án chủ động và thi hành án theo đơn yêu cầu.

Đối với việc thi hành án chủ động quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS, tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường là tài sản hiện hữu, đã được Tòa án tuyên kê biên, phong tỏa hoặc duy trì lệnh kê biên, phong tỏa..., được thu hồi cho Nhà nước, thi hành cho: các khoản thu từ hình phạt tiền (với tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung); tịch thu tài sản (hình phạt bổ sung); truy thu tin, tài sản thu lợi bất chính (được hiểu là biện pháp tư pháp “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự); án phí, lệ phí Tòa án; tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; truy thu thuế; các khoản thu khác cho Nhà nước.

Đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật THADS, tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường tài sản đảm bảo” được tuyên rõ trong bản án hoặc tài sản do Chấp hành viên “tìm được” thông qua xác minh điều kiện thi hành án, được tuyên “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại (phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự) và được tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục THADS nói chung.

2. Về đối tượng kiểm sát

Đối tượng kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là việc tuân theo pháp luật của các chủ thể: Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án và việc khiếu nại, tố cáo về THADS được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

3. Một số lưu ý

Khi thực hiện kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Kiểm sát viên cần lưu ý:

Thứ nhất: Thực hiện đúng các quy định tại Quy chế công tác kiểm sát THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 810) và Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS và quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy định số 94/QĐ-VKSTC).

Thứ hai: Việc thỏa thuận thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chỉ được thực hiện đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu (thường là việc thi hành án liên quan đến tội phạm về kinh tế)

Không áp dụng đối với việc thi hành án mà tài sản đã được Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tuyên “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước” (thường liên quan đến tội phạm về tham nhũng và đã có Lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... từ giai đoạn tố tụng). Đây là việc thi hành án chủ động và quyền về tài sản của chủ sở hữu hợp pháp đã không còn ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Do đó, người đang sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản (bị án - người phải thi hành án; vợ/chồng bị án; các đồng sở hữu tài sản khác) không còn quyền được thỏa thuận trong thi hành án theo quy định tại Điều 6Điều 7a Luật THADS.

Th ba: Khi thực hiện kiểm sát việc ra quyết định thi hành án, xác định loại việc thi hành án, cần phân biệt “khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng” thuộc “các khoản thu khác cho Nhà nước” theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 là việc thi hành án chủ động.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định: về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với trường hợp bồi thường ... thuộc loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu.

Thứ tư: Khi nghiên cứu hồ sơ THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu sau:

- Về thủ tục thi hành án: Biên bản giao nhận Quyết định, thông báo về thi hành án cho các đương sự đối với các quyết định, thông báo liên quan đến việc tổ chức thi hành án do cơ quan THADS ban hành; Biên bản thông báo, biên bản niêm yết công khai đối với việc bán đấu giá tài sản đã kê biên của tổ chức bán đấu giá tài sản...

- Các quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án được cơ quan THADS áp dụng đối với tài sản để thi hành án, đối với đương sự, người liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án.

- Các tài liệu khác: Biên bản xác minh điều kiện thi hành án; Biên bản làm việc giữa Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS với các đương sự và người có quyền lợi liên quan; Bản tự kê khai tài sản thu nhập của người phải thi hành án; Văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tài sản, điều kiện của người phải thi hành án đối với cơ quan THADS...

II. MỘT SỐ KỸ NĂNG THỰC HIỆN KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VỀ THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ

1. Kỹ năng kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS

Kiểm sát việc Tòa án cấp, chuyển giao bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (gọi tắt là chuyển giao bản án, quyết định) cho Cơ quan THADS, đương sự là nội dung đầu tiên trong kiểm sát việc THADS.

Viện kiểm sát vừa là cơ quan kiểm sát việc Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS, vừa là cơ quan kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định cho Viện kiểm sát để kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án (liên quan đến các khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, kiểm sát xét xử dân sự, hành chính). Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS, Kiểm sát viên cần nắm vững Quy chế liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao về việc phối hợp liên ngành trong công tác THADS; Quy chế phối hợp liên ngành (TAND - VKSND - THADS) tại địa phương (nếu có) và quy định phối hợp với khâu nghiệp vụ kiểm sát xét xử hình sự của đơn vị.

Khi kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS, Kiểm sát viên phải xem xét, nghiên cứu Sổ tiếp nhận bản án, quyết định của cơ quan THADS, đối chiếu với sổ nhận văn bản đến của cơ quan THADS và sổ theo dõi số bản án, quyết định của Tòa án đã ban hành của Viện kiểm sát. Trên cơ sở đó, xác định việc Tòa án chuyển giao quá hạn hoặc không chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS (thời hạn chuyển giao là 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, trừ phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại và quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì thời hạn là 15 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và Điều 28 Luật THADS).

[...]