Hướng dẫn 02-HD/BĐNTW năm 2017 về quán triệt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới" do Ban Đối ngoại Trung ương ban hành

Số hiệu 02-HD/BĐNTW
Ngày ban hành 16/01/2017
Ngày có hiệu lực 16/01/2017
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Đối ngoại Trung ương
Người ký Trần Đắc Lợi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN ĐỐI NGOẠI
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 02-HD/BĐNTW

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA BAN BÍ THƯ VỀ SƠ KẾT 5 NĂM VÀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 04-CT/TW NGÀY 06/7/2011 CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA XI "VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI"

Thực hiện kế hoạch công tác và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức nhân dân xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Trên cơ sở báo cáo sơ kết của các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo sơ kết trình Ban Bí thư.

Ngày 27/12/2016, Ban Bí thư đã họp, thảo luận Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị và cho ý kiến chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04 trong thời gian tới.

I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ THỊ 04 TRONG 5 NĂM QUA

1. Về bối cảnh tình hình

Trong 05 năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến phong trào nhân dân các nước và hoạt động đối ngoại nhân dân. Các cuộc khủng hoảng toàn cầu và chính sách “thắt lưng buộc bụng” tiếp tục gây ra các làn sóng phản kháng xã hội tại nhiều nơi; các xu hướng cực đoan và chủ nghĩa dân tuý nổi lên tại nhiều nước. Tình trạng bất ổn gia tăng tại nhiều khu vực do chính sách can thiệp và bành trướng của các nước lớn, trong đó có Biển Đông. Phong trào nhân dân trên thế giới có những diễn biến mới, đa dạng, phức tạp. Mỹ và một số nước phương Tây tăng cường tài trợ, thúc đẩy phát triển các tổ chức "xã hội dân sự" để đẩy mạnh can thiệp vào đời sống chính trị, “cách mạng màu” tại các nước. Trong khu vực ASEAN, các diễn đàn và cơ chế hợp tác nhân dân có xu hướng phát triển mạnh với việc hình thành Cộng đồng ASEAN và các sáng kiến liên kết khu vực, trong đó có nhiều diễn đàn do phương Tây hoặc Trung Quốc hậu thuẫn, chi phối.

Trong nước, các hình thức tổ chức hội phát triển nhanh chóng, đa dạng. Cùng với quá trình đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ đối ngoại của các hội ngày càng được mở rộng. Một số nước phương Tây tăng cường sử dụng viện trợ và tác động vào luật pháp, chính sách, hỗ trợ cho các hội và tổ chức "phi chính phủ" trong nước nhằm thúc đẩy phát triển "xã hội dân sự" theo kiểu phương Tây tại Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta trên kênh đối ngoại nhân dân.

2. Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về công tác đối ngoại nhân dân

2.1. Các kết quả đạt được:

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 04 trong 5 năm qua đã đạt được các kết quả chính như sau:

Công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân được chú trọng, tăng cường.

Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư tăng cường quan tâm, thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân quan trọng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác đối ngoại, hoạt động của các tổ chức nhân dân và một số lĩnh vực liên quan công tác đối ngoại nhân dân.

Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan đã ban hành, sửa đổi nhiều văn bản liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân như các văn bản pháp quy về quản lý và tổ chức hội; quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài..., kiện toàn các cơ chế phối hợp liên ngành về quản lý các hoạt động liên quan.

Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì phổ biến, quán triệt Chỉ thị 04 đến các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy và các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương; ban hành Quy chế về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương, Quy chế Thi đua - Khen thưởng trong công tác đối ngoại nhân dân và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác; triển khai công tác chỉ đạo hoạt động đối ngoại của các tổ chức nhân dân thông qua các cơ chế giao ban, chia sẻ thông tin, tổng kết định kỳ; tăng cường làm việc trực tiếp với các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương và các địa phương về công tác đối ngoại nhân dân; thường xuyên chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể, tổ chức nhân dân trong quá trình tổ chức, triển khai các hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng, có yếu tố phức tạp, nhạy cảm.

Các cấp ủy, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở trung ương và địa phương đã tiến hành quán triệt và triển khai Chỉ thị 04, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân, ban hành các quy chế, quy định, các Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 04.

Hoạt động đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta đã tiếp tục duy trì, củng c và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng; củng cố quan hệ với nhân dân ở các nước bạn bè truyền thống; mở rộng, đa dạng hóa quan hệ giao lưu, hợp tác với các đối tác mới, đặc biệt là đối tác ở những nước có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đối ngoại với ta; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn và cơ chế hợp tác nhân dân khu vực và quốc tế quan trọng, thông qua đó, tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân của ta với nhân dân các nước; tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối, chính sách đi ngoại của Đảng và Nhà nước. Hoạt động hợp tác, vận động và tranh thủ nguồn lực quốc tế được đẩy mạnh, duy trì được giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài khá cao và ổn định, góp phần tích cực thực hiện các dự án hỗ trợ nhân dân ở những vùng, miền còn khó khăn và các lĩnh vực ưu tiên như khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài được tăng cường, công tác thông tin đối ngoại, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

2.2. Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quán triệt, triển khai và thực hiện Chỉ thị 04 vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém, cụ thể là:

- Một số đoàn th, tổ chức nhân dân còn thụ động, thiếu chiều sâu trong quan hệ đối ngoại, vẫn còn không ít hoạt động đối ngoại, nhất là việc cử các đoàn đi nước ngoài, kém thiết thực, lãng phí, hiệu quả chưa cao; một số hoạt động còn có sơ hở về đối ngoại và bảo vệ chính trị nội bộ. Công tác đấu tranh vận động chính trị, nhất là trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, nhìn chung còn thiếu kịp thời, sắc bén. Nội dung và phương thức thông tin đối ngoại nhìn chung vẫn còn hạn chế cả về phạm vi tác động và hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu của diễn biến tình hình. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của nhiều đoàn thể, tổ chức nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Vẫn còn hiện tượng chưa thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy chế, quy định về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại.

- Công tác quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài tuy có được tăng cường nhưng vẫn còn biểu hiện sơ hở, nhất là trong khâu phê duyệt, thẩm định đối với các dự án có yếu tố nhạy cảm và trong công tác giám sát, quản lý tài chính đối với các dự án và đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

- Công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân của một số cơ quan, đoàn thể, địa phương còn bất cập, thiếu sâu sát, thường xuyên.

- Đa số các tổ chức "phi chính phủ" Việt Nam triển khai các quan hệ và hoạt động đối ngoại một cách tự phát, kể cả việc cử đoàn ra nước ngoài, tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Chưa có quy định, văn bản pháp lý và cơ chế để hướng dẫn, chỉ đạo và quản lý hoạt động đối ngoại đối với các tổ chức này.

Nguyên nhân khách quan là công tác đối ngoại nhân dân tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến ngày càng phức tạp; các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, chia rẽ, phân hóa, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Nguyên nhân chủ quan là nhiều cấp ủy, lãnh đạo một số bộ ngành, đoàn thể chưa thực sự coi trọng, thiếu quan tâm chỉ đạo, đầu tư, quản lý đối với hoạt động đối ngoại nhân dân; hệ thống văn bản pháp lý và một số chính sách liên quan còn thiếu, bất cập hoặc chưa phù hợp, đặc biệt, chưa có văn bản pháp lý làm cơ sở để thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của các tổ chức "phi chính phủ" Việt Nam dẫn đến nhiều khó khăn hoặc tạo lỗ hổng trong công tác chỉ đạo, quản lý; điều kiện đảm bảo và hỗ trợ cho công tác đối ngoại nhân dân nhìn chung còn hạn chế.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 04 CỦA BAN BÍ THƯ TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, cùng với quá trình nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ và hoạt động đối ngoại nhân dân sẽ ngày càng được mở rộng, phát triển đa dạng và có tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn đến lợi ích quốc gia-dân tộc. Các thế lực thù địch, phản động sẽ tăng cường sử dụng kênh đối ngoại nhân dân để đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta cả trong và ngoài nước nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ