Chỉ thị 04-CT/TW năm 2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 04-CT/TW
Ngày ban hành 06/07/2011
Ngày có hiệu lực 06/07/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Trương Tấn Sang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 04-CT/TW

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Sau 17 thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về "Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân", công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đối ngoại nhân dân đã cùng đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại của một số đoàn thể và tổ chức nhân dân có lúc còn thụ động, thiếu linh hoạt, hiệu quả chưa cao; tổ chức chưa tốt, sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân với nhau và giữa các tổ chức nhân dân với các cơ quan chuyên trách đối ngoại của Đảng và Nhà nước còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu, tổng kết, dự báo chưa được chú trọng; một số cấp uỷ và chính quyền nhận thức chưa đầy đủ vị trí và vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, chưa quan tâm đúng mức và tạo điều kiện cho các hoạt động đối ngoại nhân dân; việc thể chế hoá Chỉ thị của Ban Bí thư còn chậm và thiếu đồng bộ; một số cán bộ hoạt động đối ngoại nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, tình hình thế giới đang chuyển biến hết sức nhanh chóng, phức tạp; quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tạo ra cả những cơ hội và thách thức mới đối với nước ta. Các thế lực thù địch ra sức thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân để can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Trước tình hình và nhiệm vụ của giai đoạn mới, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân cần nâng cao nhận thức và làm tốt một số nhiệm vụ sau:

1- Quan điểm

- Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân.

- Với phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, triển khai công tác đối ngoại nhân dân trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại.

2- Mục tiêu

- Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước, truyền thống và con người Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu của công cuộc đổi mới của ta; đấu tranh với những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước.

- Xây dựng và tăng cường tình cảm hữu nghị của nhân dân các nước với nhân dân ta và của nhân dân ta với nhân dân các nước, vận động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

3- Nhiệm vụ

- Chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển quan hệ có chiều sâu với nhân dân các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới; đồng thời, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân và nhân sĩ nước ngoài, tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của từng đối tác.

- Huy động sự tham gia của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động đấu tranh chống lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chống "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

- Chú trọng quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường v.v… Chủ động làm tốt công tác vận động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích của tổ chức và lợi ích quốc gia, dân tộc.

- Chủ động và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước và con người Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của nước ta. Đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của các tầng lớp nhân dân ta về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu.

- Phát huy vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, các phong trào nhân dân thế giới, nhằm góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phù hợp với khả năng, điều kiện và lợi ích của nước ta.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết, dự báo, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, góp phần đề xuất xây dựng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.

- Làm tốt công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước.

- Kiện toàn củng cố và phát triển bộ máy, đội ngũ cán bộ, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân; rà soát, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững nghiệp vụ đối ngoại, giỏi ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới; tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và cơ chế đảm bảo cho các hoạt động đối ngoại nhân dân. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác đối ngoại (trong đó có nhiệm vụ đối ngoại nhân dân).

- Đổi mới công tác chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân; thực hiện phân cấp phân công quản lý; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân, cá nhân tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đối ngoại nhân dân.

4- Tổ chức thực hiện

- Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội căn cứ Chỉ thị này chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sớm hoàn thiện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đối ngoại nhân dân phù hợp với nội dung Chỉ thị, có cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tỉnh tỷ, thành uỷ tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị; lãnh đạo, quản lý và phân cấp quản lý các hoạt động đối ngoại nhân dân ở ngành và địa phương phù hợp với Quy chế về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 295-QĐ/TW, ngày 23-3-2010 của Bộ Chính trị (khoá X); bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất thoả đáng cho công tác đối ngoại nhân dân.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị và quản lý các hoạt động đối ngoại của tổ chức mình theo các quy định của Đảng và Nhà nước.

- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì việc chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các hoạt động đối ngoại nhân dân; chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân quan trọng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các cấp uỷ đảng giúp Ban Bí thư chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt, theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình hình công tác đối ngoại nhân dân và kết quả thực hiện Chỉ thị.

 

[...]