Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Hiệp định số 84/2005/LPQT về nuôi con nuôi giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Số hiệu 84/2005/LPQT
Ngày ban hành 21/06/2005
Ngày có hiệu lực 01/09/2005
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Thị Hoàng Anh
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NGOẠI GIAO

******

 

Số: 84/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2005 


Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2005./.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC NUÔI CON NUÔI GIỮACỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMVÀ HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (sau đây gọi là các Bên);

Nhận thức rằng, để bảo đảm sự phát triển hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường yêu thương, hạnh phúc của gia đình;

Nhận thức rằng, các Bên cam kết trên cơ sở ưu tiên, áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc trong môi trường gia đình ruột thịt;

Nhận thức rằng, việc nuôi con nuôi quốc tế là biện pháp phù hợp nhằm đem lại một môi trường gia đình ổn định cho trẻ em trong trường hợp không tìm được gia đình thích hợp cho trẻ em đó ngay tại Nước gốc của mình;

Mong muốn khẳng định rằng, công dân của Bên này nhận trẻ em là công dân của Bên ký kết kia làm con nuôi, được tiến hành trên cơ sở tôn trọng những giá trị và nguyên tắc cơ bản của mỗi Bên, phù hợp với Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế ngày 29 tháng 5 năm 1993 (sau đây gọi tắt là Công ước La Hay về nuôi con nuôi), đặc biệt là những điều khoản về việc bảo vệ lợi ích cho trẻ em một cách tốt nhất và tôn trọng những quyền cơ bản của trẻ em, nhằm ngăn chặn việc bắt cóc, buôn bán trẻ em và thu lợi bất hợp pháp từ quá trình nhận nuôi con nuôi, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ;

Đã thỏa thuận như sau:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Mục đích của Hiệp định này giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là để tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực nuôi con nuôi đối với trẻ em giữa hai nước.

Hiệp định này được các Bên công nhận là cơ sở để hình thành sự hiểu biết chung trong lĩnh vực con nuôi quốc tế giữa các Bên.

Điều 2. Pháp luật áp dụng

Các Bên công nhận rằng, các văn bản sau đây được áp dụng trong khi thực hiện Hiệp định này:

1. Công ước Viên về quan hệ lãnh sự ký tại Viên ngày 02 tháng 4 năm 1963;

2. Bộ luật Dân sự năm 1995 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Quốc tịch năm 1998 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 – các quy định về nuôi con nuôi và Thông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

4. Bộ luật Quốc tịch và Nhập cư của Hoa kỳ ngày 27 tháng 6 năm 1952 (đã được sửa đổi);

5. Luật Công của Hoa Kỳ số 106-279 ngày 06 tháng 10 năm 2000 - Đạo luật về nuôi con nuôi quốc tế năm 2000

6. Luật Công của Hoa Kỳ số 106-295 ngày 30 tháng 10 năm 2000 - Đạo luật về quốc tịch trẻ em năm 2000.

7. Các văn bản khác theo đề nghị bổ sung hoặc bãi bỏ của các Bên.

Điều 3. Phạm vi áp dụng

1. Hiệp định này được áp dụng đối với trường hợp trẻ em là công dân của một Bên và thường trú trên lãnh thổ Bên đó có đủ điều kiện làm con nuôi theo pháp luật Bên đó (sau đây gọi là con nuôi), được một người là công dân hoặc người thường trú trên lãnh thổ của Bên kia hoặc một nam giới và một nữ giới có quan hệ hôn nhân hợp pháp và ít nhất là một trong hai người là công dân của Bên kia nhận làm con nuôi (sau đây gọi là “cha mẹ nuôi”).

2. Bên là nơi trẻ em có quốc tịch và thường trú trước khi được cho làm con nuôi sau đây gọi là “Nước gốc”; Bên là nơi cha mẹ nuôi có quốc tịch sau đây gọi là “Nước nhận”.

3. Việc nuôi con nuôi được các Bên hiểu là để phục vụ cho mục đích hình thành mối quan hệ pháp lý cha mẹ - con lâu bền giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.

Điều 4. Nguyên tắc

[...]