Thông tư 08/2006/TT-BTP hướng dẫn quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư Pháp ban hành

Số hiệu 08/2006/TT-BTP
Ngày ban hành 08/12/2006
Ngày có hiệu lực 13/01/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
*****

Số: 08/2006/TT-BTP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày  08 tháng 12 năm 2006

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định số 68/2002/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
Căn cứ các Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước;
Để bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi hướng dẫn

Thông tư này hướng dẫn thực hiện các điều 35, 36, 37, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 49, 51 và khoản 1 Điều 79 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 69/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ (sau đây gọi là “Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung)”) và các Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước, nhằm thực hiện thống nhất về đối tượng áp dụng, về trình tự, thủ tục giải quyết việc người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

2. Dịch và công chứng, chứng thực hồ sơ

Hồ sơ xin nhận con nuôi bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt; bản dịch do Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực.

Theo thoả thuận với Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế của nước mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi, hồ sơ xin nhận con nuôi có thể được dịch tại Việt Nam; bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo pháp luật Việt Nam.

3. Nghiêm cấm hoạt động kinh doanh, môi giới trục lợi trong lĩnh vực nuôi con nuôi

3.1. Nghiêm cấm tổ chức con nuôi nước ngoài, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động kinh doanh, dịch vụ môi giới con nuôi nhằm mục đích trục lợi hoặc lợi dụng việc hỗ trợ xin nhận con nuôi nhằm mục đích mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.

3.2. Nghiêm cấm việc người xin nhận con nuôi xin đích danh trẻ em qua sự giới thiệu trực tiếp của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam hoặc trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để môi giới xin trẻ em làm con nuôi.

II. NGƯỜI XIN NHẬN CON NUÔI, TRẺ EM ĐƯỢC CHO LÀM CON NUÔI 

1. Người xin nhận con nuôi

Theo Điều 35 và khoản 1 Điều 79 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), người xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi bao gồm:

1.1. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi (danh mục các nước kèm Thông tư này). Người thuộc đối tượng này được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi.

1.2. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi:

a) Người có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên. Thời gian 06 tháng được tính theo một lần nhập - xuất cảnh Việt Nam; nếu hai vợ chồng xin nhận con nuôi thì chỉ cần một người đáp ứng điều kiện này;

b) Người có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam. Người gốc Việt Nam được hiểu theo quy định tại Thông tư số 2461/2001/TT-BNG ngày 5 tháng 10 năm 2001 của Bộ Ngoại giao, là người hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam; người có cha đẻ, mẹ đẻ hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam;

c) Người có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi.

Quan hệ họ hàng được hiểu là quan hệ giữa người xin nhận con nuôi là cô, cậu, dì, chú, bác với trẻ em là cháu được xin làm con nuôi (theo bên nội hoặc bên ngoại). Trường hợp người có quan hệ họ hàng là ông, bà xin nhận cháu hoặc anh, chị em xin nhận nhau làm con nuôi, thì không giải quyết.

Quan hệ thân thích là quan hệ giữa người xin nhận con nuôi là chồng với con riêng của vợ hoặc vợ với con riêng của chồng.

1.3. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam không cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi và cũng không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 35 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), thì chỉ được xin nhận con nuôi là trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em mất năng lực hành vi dân sự, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại gia đình hoặc tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, hoặc trẻ em mồ côi đang sống tại gia đình.

1.4. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi, không phụ thuộc vào việc Việt Nam với nước ngoài nơi người đó định cư cùng hoặc không cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi.

Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hiểu là người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không kể người đó đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa.

2. Trẻ em được cho làm con nuôi

Theo Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), trẻ em được cho làm con nuôi bao gồm: 

2.1. Trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam. Cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp được hiểu là cơ sở bảo trợ xã hội  được thành lập theo Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001 của Chính phủ (sau đây gọi là cơ sở nuôi dưỡng). Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho Cục Con nuôi quốc tế danh sách các cơ sở nuôi dưỡng này và danh sách trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng đó có đủ điều kiện để giới thiệu làm con nuôi.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ