Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên thuộc hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 13/12/2005
Ngày có hiệu lực 01/07/2006
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

HIỆP ĐỊNH KHUNG

VỀ HỢP TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN THUỘC HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC

Chính phủ các nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các nước Thành viên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi chung là "ASEAN" hoặc "các nước Thành viên ASEAN" hay gọi riêng từng nước là "nước Thành viên ASEAN") và Chính phủ Đại hàn Dân quốc (sau đây gọi là "Hàn Quốc"),

Nhắc lại quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc được tổ chức ngày 30/11/2004 tại Viên-Chăn, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, đã thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc nhằm thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc ("KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc") trong thời gian sớm nhất với những đối xử đặc biệt và khác biệt và linh hoạt hơn cho các nước Thành viên mới của ASEAN là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam ("các nước Thành viên mới của ASEAN");

Mong muốn ký kết một Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện (sau đây gọi là "Hiệp định khung này") giữa ASEAN và Hàn Quốc (gọi chung là "các Bên" hay gọi riêng là "một Bên") nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng và phát triển, nâng cao mức sống của người dân trong toàn bộ khu vực và cung cấp những lợi ích năng động hơn nữa đối với khu vực về lâu dài;

Tin tưởng rằng việc thành lập KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc sẽ mở rộng mối quan hệ hiện có giữa ASEAN và Hàn Quốc và là đòn bẩy để nâng mối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên một tầm cao mới và toàn diện hơn;

Tái khẳng định niềm tin chung rằng việc thỏa thuận thành lập KVTMTD ASEAN - Hàn Quốc sẽ dựa trên các nguyên tắc đã được nhất trí về tính toàn diện của tiến trình tự do hóa, về mức độ tự do hóa thực sự đáng kể và có ý nghĩa, về việc tăng cường lợi ích của các bên, và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và quy định của WTO;

Dựa trên các quyền và nghĩa vụ quy định tại Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định khác sẽ được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định khung này cũng như trong các hiệp định hợp tác đa phương và song phương khác mà các bên đã tham gia;

Thừa nhận việc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại thông qua thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc sẽ góp phần phát triển hài hoà và mở rộng thương mại thế giới và tạo động lực để mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế, đặc biệt tại Đông Á;

Thừa nhận tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực thông qua phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức của toàn cầu hoá; và

Thừa nhận trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các nước Thành viên ASEAN và sự cần thiết có linh hoạt đối với các nước Thành viên mới của ASEAN, cụ thể là cần tạo thuận lợi để các nước đó tăng cường tham gia vào hợp tác kinh tế ASEAN-Hàn Quốc và mở rộng xuất khẩu của mình, kể cả thông qua việc nâng cao nội lực, tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh;

Đã nhất trí như sau:

Chương 1:

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1.1. Mục tiêu

Mục tiêu của Hiệp định khung này là:

(a) Củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các Bên;

(b) Tự do hoá từng bước và thúc đẩy thương mại hàng hoá và dịch vụ cũng như thiết lập một chế độ đầu tư thuận lợi, minh bạch và tự do;

(c) Tìm kiếm các lĩnh vực mới và xây dựng các biện pháp phù hợp vì hợp tác kinh tế gần gũi hơn và hội nhập;

(d) Tạo thuận lợi cho các nước Thành viên mới của ASEAN hội nhập kinh tế hiệu quả hơn và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các Bên; và

(e) thiết lập một khuôn khổ hợp tác nhằm củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế giữa các Bên. 

Điều 1.2. Định nghĩa

Trong Hiệp định này, các định nghĩa sau sẽ được áp dụng trừ phi ngữ cảnh có quy định khác:

“AEM + Korea” nghĩa là các Bộ trưởng Kinh tế các nước Thành viên ASEAN và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc;

“ASEAN” nghĩa là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

“ASEAN–Hàn Quốc FTA” nghĩa là Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc được thành lập bởi Hiệp định khung này và các hiệp định có liên quan khác quy định tại đoạn 1, Điều 1.3;

“Các nước Thành viên ASEAN” nghĩa là đề cập chung đến Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

“Nước Thành viên ASEAN” nghĩa là đề cập riêng đến Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

“Hiệp định khung” nghĩa là Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước Thành viên của ASEAN và Chính phủ nước Đại hàn Dân quốc;

“GATS” nghĩa là Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ, là một bộ phận của Hiệp định WTO;

[...]