Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Hoa

Số hiệu Khongso-02
Ngày ban hành 18/11/2009
Ngày có hiệu lực 14/07/2010
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Hồ Xuân Sơn,Vũ Đại Vĩ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HIỆP ĐỊNH

VỀ CỬA KHẨU VÀ QUY CHẾ QUẢN LÝ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là hai Bên);

Nhằm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy phát triển thương mại và qua lại của nhân dân hai nước;

Căn cứ quy định tại Điều 23, Chương VI của “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”;

Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Trong Hiệp định này, hai Bên sử dụng các thuật ngữ sau:

1. “Cửa khẩu biên giới” và “cửa khẩu” có nghĩa như nhau, là chỉ khu vực xác định ở hai bên biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc dành cho người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải trực tiếp xuất - nhập cảnh tại khu vực nhất định, bao gồm cửa khẩu song phương và cửa khẩu quốc tế. Căn cứ theo tính chất có thể chia ra cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu đường thủy.

Cửa khẩu song phương là cửa khẩu được mở cho người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa, vật phẩm của hai Bên xuất, nhập cảnh qua biên giới.

Cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu được mở cho người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa, vật phẩm của hai Bên và nước thứ ba (khu vực) xuất, nhập cảnh qua biên giới.

2. “Vùng biên giới” là chỉ khu vực hành chính cấp huyện của hai bên nằm tiếp giáp hai bên đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

3. “Cư dân biên giới” là chỉ dân cư thường trú của mỗi nước thuộc xã (trấn) nằm tiếp giáp hai bên đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

4. “Trường hợp bất khả kháng” là trường hợp xảy ra do khách quan không thể dự đoán được, không thể tránh được và không thể khắc phục được.

5. “Cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm cửa khẩu” là chỉ Bộ đội Biên phòng, hải quan, kiểm dịch y tế, kiểm dịch động – thực vật tại cửa khẩu của phía Việt Nam và cơ quan kiểm tra biên phòng, hải quan, kiểm nghiệm kiểm dịch tại cửa khẩu của phía Trung Quốc.

Điều 2.

1. Hai Bên xác nhận các cặp cửa khẩu sau đã mở trên vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc:

Tên cửa khẩu Việt Nam

Tên cửa khẩu Trung Quốc

Ma Lù Thàng

Kim Thủy Hà

Lào Cai (đường bộ)

Hà Khẩu (đường bộ)

Lào Cai (đường sắt)

Hà Khẩu (đường sắt)

Thanh Thủy

Thiên Bảo

Trà Lĩnh

Long Bang

Tà Lùng

Thủy Khẩu

Đồng Đăng (đường sắt)

Bằng Tường (đường sắt)

Hữu Nghị

Hữu Nghị Quan

Móng Cái

Đông Hưng

2. Hai Bên thỏa thuận các cặp cửa khẩu sau sẽ được mở khi có đủ điều kiện, thời gian và thể thức mở cụ thể sẽ do hai Bên thỏa thuận qua đường ngoại giao. Trước khi mở chính thức các cặp cửa khẩu này, việc xuất – nhập cảnh tại các khu vực đó của người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải đều phải căn cứ các quy định kiểm tra, kiểm nghiệm theo pháp luật của mỗi Bên và các quy định liên quan do hai Bên thỏa thuận.

Tên cửa khẩu Việt Nam

Tên cửa khẩu Trung Quốc

A Pa Chải

Long Phú

U Ma Tu Khoàng

Bình Hà

Mường Khương

Kiều Đầu

Xín Mần

Đô Long

Phó Bảng

Đổng Cán

Săm Pun

Điền Bồng

Sóc Giang

Bình Mãng

Pò Peo

Nhạc Vu

Lý Vạn

Thạc Long

Hạ Lang

Khoa Giáp

Bình Nghi

Bình Nhi Quan

Chi Ma

Ái Điểm

Hoành Mô

Động Trung

3. Vị trí, loại hình, thời gian mở và thời gian làm việc của các cặp cửa khẩu biên giới nêu tại Khoản 1 của Điều này được quy định cụ thể trong Phụ lục kèm theo.

4. Việc mở chính thức, mở mới, đóng của các cặp cửa khẩu biên giới sẽ thỏa thuận thông qua đường ngoại giao. Văn bản thỏa thuận có liên quan sẽ trở thành văn bản bổ sung của Hiệp định này.

5. Trong trường hợp bất khả kháng hoặc các yêu cầu đặc biệt khác, hai Bên có thể mở đường qua lại tạm thời. Việc mở đường qua lại tạm thời do chính quyền địa phương cấp tỉnh (khu tự trị) ở vùng biên giới hai nước hiệp thương thống nhất trước và phải được sự đồng ý của Chính phủ hai Bên, sau đó thông qua đường ngoại giao để xác định.

Người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải vận tải khi xuất – nhập cảnh tại đường qua lại tạm thời đều phải căn cứ các quy định kiểm tra, kiểm nghiệm theo pháp luật của mỗi Bên và các quy định liên quan do hai Bên thỏa thuận.

Điều 3.

1. Cửa khẩu song phương được mở cho người mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế khác còn hiệu lực của hai Bên, người mang Giấy thông hành xuất – nhập cảnh vùng biên giới, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải; cửa khẩu quốc tế được mở cho người mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế khác còn hiệu lực của hai Bên, người mang Giấy thông hành xuất - nhập cảnh vùng biên giới hoặc người mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế khác còn hiệu lực của nước (khu vực) thứ ba, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải; về thị thực cho người, căn cứ vào các thỏa thuận liên quan của hai Bên để thực hiện.

Người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải xuất nhập qua biên giới phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm tại cửa khẩu.

2. Việc cấp và sử dụng Giấy thông hành xuất - nhập cảnh vùng biên giới thực hiện theo “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Điều 4.

1. Trong thời gian làm việc của các cửa khẩu biên giới, cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm cửa khẩu hai Bên căn cứ quy định pháp luật của mỗi nước để thực hiện chức năng, quyền hạn của mình. Khi cần thiết, cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm cửa khẩu của hai Bên có thể ký kết các thỏa thuận riêng để đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, kiểm nghiệm.

[...]