Hiệp định số 207/WTO/VB về các biện pháp tự vệ

Số hiệu 207/WTO/VB
Ngày ban hành 15/04/1994
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản WTO_Văn bản
Cơ quan ban hành WTO
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

HIỆP ĐỊNH

VỀ CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Các Thành viên,

Ghi nhớ rằng mục đích chung của các Thành viên là thúc đẩy và tăng cường hệ thống thương mại quốc tế dựa trên GATT 1994;

Thừa nhận sự cần thiết phải làm rõ và củng cố các nguyên tắc của GATT 1994, và đặc biệt là các quy định tại Điều 19 (Hành động khẩn cấp về nhập khẩu một số sản phẩm đặc biệt), nhằm thiết lập lại sự giám sát đa phương trên cơ sở các biện pháp tự vệ và triệt tiêu các biện pháp nhằm né tránh sự giám sát này;

Thừa nhận tầm quan trọng của việc điều chỉnh cơ cấu và sự cần thiết phải tăng cường chứ không phải làhạn chế cạnh tranh trên thị trường quốc tế; và

Thừa nhận hơn nữa, nhằm thực hiện những mục đích này, về một hiệp định toàn diện, áp dụng cho tất cả các Thành viên và dựa trên những nguyên tắc cơ bản của GATT 1994,

Bằng Hiệp định này, thoả thuận như sau:

Điều 1: Quy định chung

Hiệp định này thiết lập các quy tắc áp dụng các biện pháp tự vệ được hiểu theo nghĩa các biện pháp được quy định tại Điều 19 của GATT 1994.

Điều 2: Các điều kiện

1.Một Thành viên[1] có thể áp dụng một biện pháp tự vệ cho một sản phẩm chỉ khi Thành viên đó đã xác định được, phù hợp với những quy định dưới đây, là sản phẩm đó được nhập vào lãnh thổ của mình khi có sự gia tăng nhập khẩu, tương đối hay tuyệt đối so với sản xuất nội địa, và theo đó có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa sản xuất ra các sản phẩm tương tự hoặc các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp.

2. Các biện pháp tự vệ sẽ được áp dụng đối với một sản phẩm nhập khẩu bất kể từ nguồn nào.

Điều 3: Điều tra

1. Một Thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ chỉ sau khi cơ quan có thẩm quyền của Thành viên đó tiến hành điều tra theo thủ tục được xây dựng và công bố phù hợp với Điều 10 của Hiệp định GATT 1994. Việc điều tra sẽ bao gồm việc thông báo công khai cho tất cả các bên liên quan, thẩm vấn công khai hoặc các biện pháp thích hợp khác để nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, và các bên có liên quan có thể đưa chứng cứ, quan điểm của họ, bao gồm cả cơ hội được phản biện lý lẽ của bên kia và đưa ra quan điểm của mình nhằm xem xét việc áp dụng biện pháp này có phù hợp với lợi ích chung không. Cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố báo cáo kết quả điều tra của mình và các kết luận thỏa đáng trên cơ sở các vấn đề thực tế và pháp lý.

2. Mọi thông tin có tính chất bí mật hoặc được cung cấp trên cơ sở bí mật phải được các cơ quan có thẩm quyền bảo quản tuyệt mật, dựa trên nguyên nhân được đưa ra. Thông tin này không được tiết lộ nếu không được phép của bên cung cấp thông tin. Theo yêu cầu, các bên cung cấp thông tin bí mật có thể đưa ra bản tóm tắt không bí mật những thông tin này, hoặc nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì phải đưa ra lý do. Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền thấy yêu cầu tuyệt mật không được đảm bảo và nếu bên liên quan cũng không muốn tiết lộ hoặc cho phép tiết lộ công khai dưới dạng khái quát hoặc tóm tắt thông tin này, thì cơ quan chức năng có thể không xem xét đến thông tin này trừ khi nó thể hiện được tính đúng đắn của thông tin.

Điều 4: Xác định tổn hại nghiêm trọng và đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng

1. Theo Hiệp định này:

(a)"tổn hại nghiêm trọng" được hiểu là sự suy giảm toàn diện đáng kể tới vị trí của ngành công nghiệp nội địa.

(b)"đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng" được hiểu là tổn hại nghiêm trọng rõ ràng sẽ xảy ra, phù hợp với các quy định tại khoản 2. Việc xác định nguy cơ tổn hại nghiêm trọng phải dựa trên cơ sở thực tế chứ không phải là phỏng đoán, viện dẫn hoặc khả năng xa; và

(c)trong khi xác định thiệt hại hay đe dọa gây thiệt hại, một "ngành sản xuất nội địa" được hiểu là toàn bộ các nhà sản xuất sản phẩm tương tự hoặc các sản phẩm trực tiếp cạnh tranh trong phạm vi lãnh thổ một Thành viên, hoặc tập hợp các nhà sản xuất mà đầu ra của sản phẩm tương tự hoặc trực tiếp cạnh tranh của họ chiếm phần lớn trong tổng số sản xuất nội địa của loại sản phẩm này.

2. (a) Trong khi điều tra để xác định xem hàng nhập khẩu gia tăng có gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với sản xuất trong nước theo các quy định của Hiệp định này không, cơ quan chức năng sẽ đánh giá tất cả các yếu tố liên quan tới đối tượng và có thể định lượng dựa trên tình hình sản xuất của ngành này, đặc biệt là tốc độ và số lượng gia tăng nhập khẩu của sản phẩm có liên quan một cách tương đối hay tuyệt đối, thị phần trong nước của phần gia tăng nhập khẩu này, sự thay đổi mức bán hàng, sản xuất, năng suất, công suất sử dụng, lợi nhuận, lỗ và việc làm.

(b) Việc xác định được đề cập tại điểm (a) sẽ không được thực hiện, trừ khi việc điều tra này, trên cơ sở những chứng cứ khách quan, cho thấy có mối liên hệ nhân quả giữa việc gia tăng nhập khẩu một loại hàng hóa có liên quan và tổn hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng. Khi có các yếu tố khác không phải là sự gia tăng nhập khẩu, xuất hiện cùng một thời gian, gây ra tổn hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp trong nước thì những tổn hại này sẽ không được coi là do sự gia tăng nhập khẩu.

(c) Phù hợp với quy định tại Điều 3, các cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố ngay lập tức một bản đánh giá chi tiết về vụ việc được điều tra cũng như trình bày các nhân tố liên quan được xem xét.

Điều 5: Áp dụng biện pháp tự vệ

1. Một Thành viên sẽ chỉ áp dụng biện pháp tự vệ trong giới hạn cần thiết để ngăn cản hay khắc phục tổn hại nghiêm trọng và để tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh. Nếu một biện pháp hạn chế định lượng được sử dụng, thì biện pháp này sẽ không làm giảm số lượng nhập khẩu dưới mức nhập khẩu trung bình của 3 năm đại diện gần nhất có số liệu thống kê, trừ khi có sự biện minh rõ ràng rằng cần có một mức khác để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng. Các Thành viên sẽ chọn biện pháp thích hợp nhất để thực hiện được các mục tiêu này.

2. (a) Trong trường hợp hạn ngạch được phân bổ giữa các nước xuất khẩu, Thành viên áp dụng hạn chế này có thể tìm kiếm một thỏa thuận liên quan tới việc phân bổ hạn ngạch cho tất cả các Thành viên có lợi ích cung cấp chính yếu đối với sản phẩm. Trong trường hợp không áp dụng được phương pháp này, Thành viên nhập khẩu sẽ phân bổ cho các Thành viên có lợi ích cung cấp chủ yếu đối với sản phẩm này theo thị phần, tính theo tổng giá trị hay số lượng sản phẩm được nhập từ các Thành viên này trong một thời gian đại diện trước đó và có tính đến bất cứ một yếu tố đặc biệt nào đã hoặc có thể ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa này.

(b)Một Thành viên có thể không thực hiện các quy định tại điểm (a), với điều kiện việc tham vấn theo khoản 3 Điều 12 đã được thực hiện dưới sự giám sát của Uỷ ban về các biện pháp tự vệ được quy định tại khoản 1 Điều 13 và chứng minh rõ ràng cho Uỷ ban rằng (i) nhập khẩu từ một số Thành viên xác định gia tăng với một tỷ lệ không tương ứng với gia tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của sản phẩm đó trong thời kỳ đại diện, (ii) lý do của việc không thực hiện các quy định tại điểm (a) được giải thích chính đáng, (iii) điều kiện không thực hiện các quy định này là công bằng cho tất cả các nước xuất khẩu sản phẩm liên quan. Thời hạn thực hiện bất kỳ biện pháp nào không được vượt quá thời hạn quy định ban đầu nêu tại khoản 1 Điều 7. Việc không thực hiện này sẽ không được chấp nhận trong trường hợp đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng.

Điều 6: Biện pháp tự vệ tạm thời

Trong trường hợp nghiêm trọng mà sự chậm trễ có thể gây ra thiệt hại khó có thể khắc phục được, một Thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dựa trên xác định sơ bộ rằng có chứng cứ rõ ràng chứng tỏ gia tăng nhập khẩu đã gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng. Thời hạn áp dụng biện pháp tạm thời không được quá 200 ngày và trong suốt thời hạn đó các yêu cầu từ Điều 2 đến 7 và Điều 12 phải được tuân thủ. Các biện pháp này được áp dụng dưới hình thức tăng thuế và sẽ được hoàn trả ngay nếu điều tra sau đó, như quy định tại khoản 2 Điều 4 xác định rằng sự gia tăng nhập khẩu không gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa. Thời gian áp dụng bất kỳ biện pháp tạm thời nào sẽ được tính vào thời gian ban đầu và được gia hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 7.

[...]