Đề án 01/ĐA-UBND năm 2024 thành lập thị trấn Tân Long thuộc huyện Phụng Hiệp; thị trấn Đông Phú thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 01/ĐA-UBND
Ngày ban hành 24/05/2024
Ngày có hiệu lực 24/05/2024
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Đồng Văn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/ĐA-UBND

Hậu Giang, ngày 24 tháng 5 năm 2024

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP THỊ TRẤN TÂN LONG THUỘC HUYỆN PHỤNG HIỆP; THỊ TRẤN ĐÔNG PHÚ THUỘC HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH HẬU GIANG

MỞ ĐẦU

Hậu Giang nằm ở khu vực nam Sông Hậu và tiếp giáp với trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thành phố Cần Thơ. Hậu Giang nằm ở khu vực lõi (Trung tâm) của ĐBSCL, có điều kiện kết nối đường thủy nhờ tiếp giáp với Sông Hậu ở huyện Châu Thành với chiều dài khoảng 08 km phía Đông Bắc. Cùng với Cần Thơ, Hậu Giang là trung tâm trung chuyển, kết nối giữa các tỉnh nam Sông Hậu bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước.

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm châu thổ sông Mê Kông, thuộc khu vực nội địa của ĐBSCL. Phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Toàn Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên[1] là 1.622,23 km2, dân số năm 2022[2] là 729.500 người, chiếm 3,96% về diện tích và 4,18% về dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó dân số thành thị[3] là 205.000 người, chiếm 28,10% dân số toàn Tỉnh. Tỉnh Hậu Giang có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ; với 75 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 13 phường, 11 thị trấn và 51 xã.

Hậu Giang nằm ở hạ lưu sông Hậu, giữa một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Tỉnh có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc. Tỉnh nổi tiếng với chợ nổi Ngã Bảy và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như di tích Khởi Nghĩa Nam Kỳ, di tích Liên Hiệp Đình Chiến Nam Bộ, Căn cứ Tỉnh Ủy Cần Thơ, di tích Tầm Vu, đền thờ Bác Hồ, v.v....

Trong năm 2022, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản xuất kinh doanh được phục hồi, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 13,94%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,22%, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 19,95%, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 26,30%.

Năm 2022, tình hình kinh tế của Tỉnh có bước phát triển vượt bậc hơn so với năm trước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13,94%, xếp thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ tư cả nước. Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 1,06 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng rất cao với mức tăng 36,55%, đóng góp 8,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,84%, đóng góp 3,38 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,33%, đóng góp 0,74 điểm phần trăm. Quy mô nền kinh tế ước đạt 48.062,50 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Về cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế so với cùng kỳ: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,06%, có mức chuyển dịch giảm 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,95%, có mức chuyển dịch tăng 6,63%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 36,86%, có mức chuyển dịch giảm 2,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 9,14% và có mức chuyển dịch giảm 0,65%. (Năm 2021 cơ cấu kinh tế lần lượt là: 27,06%; 23,32%; 39,83%; 9,79%). GRDP bình quân đầu người cả năm 2022 ước đạt 65,89 triệu đồng/người/năm, tăng 11,63 triệu đồng/người so với năm 2021.

 Xã Tân Long, huyện phụng Hiệp:

Huyện Phụng Hiệp nằm ở phía Đông của tỉnh Hậu Giang; phía Đông giáp huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy, phía Tây giáp huyện Vị Thủy, phía Nam giáp thị xã Long Mỹ và huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng, phía Bắc giáp huyện Châu Thành A. Tổng diện tích tự nhiên[4] là 484,50 km2, với 15 đơn vị hành chính cấp xã gồm 03 thị trấn: Cây Dương, Kinh Cùng, Búng Tàu và 12 xã: Phụng Hiệp, Long Thạnh, Thạnh Hòa, Tân Bình, Hòa An, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú, Tân Long và Bình Thành. Huyện có vị trí thuận lợi cách thành phố Vị Thanh khoảng 37 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 36 km về phía Nam, với nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng đi qua như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quản Lộ - Phụng Hiệp. Ngoài ra, giao thông đường thủy đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, các tuyến chính: Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Lái Hiếu, kênh Ngang, kênh Búng Tàu, ngoài ra còn có hàng trăm tuyến kênh, rạch nhỏ khá thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Xã Tân Long nằm ở phía Đông Bắc huyện Phụng Hiệp; cách thành phố Cần Thơ khoảng 30 km về phía Bắc; có quy mô diện tích tự nhiên[5] là 22,11 km2, dân số năm 2022[6] là 13.038 người. Xã Tân Long gồm 08 ấp: Thạnh Lợi A1, Thạnh Lợi A2, Thạnh Lợi B, Thạnh Lợi C, Phụng Sơn, Phụng Sơn A, Phụng Sơn B, Long Phụng. Với lợi thế nằm dọc theo Quốc lộ 1, là giao điểm của kênh xáng Nàng Mau và Quốc lộ 1, Tân Long có tiềm năng kinh tế rất lớn để phát triển dịch vụ thương mại của khu vực: thông qua kênh xáng Nàng Mau trung chuyển hàng hóa từ Vị Thanh, Cà Mau về tập kết và phân phối đi các địa phương khác qua tuyến Quốc lộ 1. Xã đã hoàn thành xây dựng Chương trình nông thôn mới năm 2021, được công nhận đô thị loại V năm 2020, đảm bảo các tiêu chuẩn là thị trấn chuyên ngành phía Đông Bắc của huyện.

 Xã Đông Phú, huyện Châu Thành:

Huyện Châu Thành nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hậu Giang; phía Đông giáp huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp, phía Nam giáp thành phố Ngã Bảy và phía Bắc giáp quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Tổng diện tích tự nhiên[7] là 140,86 km2, với 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 thị trấn: Ngã Sáu, Mái Dầm và 6 xã: Đông Phú, Đông Phước, Đông Phước A, Đông Thạnh, Phú Hữu, Phú Tân. Là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang, cách trung tâm tỉnh 25km về hướng Đông Bắc và cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10 km. Châu Thành có vị trí giao thông thuận lợi với 02 tuyến quốc lộ là QL1, QL91B (Nam Sông Hậu); đường tỉnh 925, 927C; trong tương lai gần tuyến cao tốc HCM - Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn huyện sẽ là trục giao thông kết nối quan trọng của tỉnh và vùng; đồng thời sông Hậu qua huyện là tuyến đường thủy chiến lược trong tỉnh cũng như vùng với việc kết nối giao thương với các tỉnh và quốc tế. Là nơi hội tụ đủ tiềm năng để phát triển một nền kinh tế toàn diện, huyện có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, hậu cần cảng và Logistics và là một trong những huyện phát triển trọng điểm về công nghiệp - dịch vụ hậu cần đầu mối của tỉnh Hậu Giang.

Xã Đông Phú nằm ở phía Bắc huyện Châu Thành, có diện tích tự nhiên[8] là 16,99 km², quy mô dân số năm 2022[9] là 10.118 người. Xã Đông Phú gồm 06 ấp: Phú Hòa, Phú Hưng, Phú Lộc, Phú Lợi, Phú Nhơn, Phú Thọ. Với lợi thế nằm trên tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 91B, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 12km, tiếp giáp cảng biển Cái Cui, trên địa bàn xã có Khu công nghiệp sông Hậu (giai đoạn 1), Cụm công nghiệp Đông Phú (giai đoạn 1). Đông Phú là đô thị phát triển công nghiệp trọng điểm của huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung, trong đó trọng tâm phát triển công nghiệp đa ngành nghề như: Chế biến, sơ chế nông sản, thủy sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp kỹ thuật cao, logistics... Xã đã hoàn thành xây dựng Chương trình nông thôn mới năm 2016, được công nhận đô thị loại V năm 2023, đảm bảo các tiêu chuẩn là thị trấn chuyên ngành phía Đông của huyện.

Qua nhiều năm phấn đấu, được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh, của huyện và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Long và xã Đông Phú trong việc tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc cải tạo chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; Quốc phòng - An ninh được tăng cường, củng cố trên địa bàn có tốc độ phát triển và đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian qua.

Đến nay, xã Tân Long và xã Đông Phú đã bảo đảm các điều kiện và đạt đủ các tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hậu Giang xây dựng Đề án thành lập thị trấn Tân Long thuộc huyện Phụng Hiệp, thị trấn Đông Phú thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với các nội dung như sau:

Phần thứ nhất

CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP THỊ TRẤN TÂN LONG THUỘC HUYỆN PHỤNG HIỆP, THỊ TRẤN ĐÔNG PHÚ THUỘC HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH HẬU GIANG

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019.

- Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

- Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

- Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

- Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

- Nghị quyết số 869/NQ-UBTVQH14 ngày 10 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hậu Giang.

- Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

- Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ