Quyết định 1588/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1588/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1588/QĐ-TTg

Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH HẬU GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tại Tờ trình số 119/TTr-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2023, Công văn số 1780/UBND-NCTH ngày 17 tháng 11 năm 2023, Công văn số 1818/UBND-NCTH ngày 24 tháng 11 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Công văn số 1835/UBND-NCTH ngày 29 tháng 11 năm 2023; Báo cáo thẩm định số 3998/BC-HĐTĐ ngày 29 tháng 5 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và kết quả rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hậu Giang tại Văn bản số 7109/CV-HĐTĐ ngày 29 tháng 8 năm 2023 của Cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang bao gồm toàn bộ tỉnh Hậu Giang. Phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu; phía Đông giáp sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Sóc Trăng; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

a) Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan.

b) Xây dựng Hậu Giang thành trung tâm kết nối, trung chuyển hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển đột phá các ngành, lĩnh vực trên nền tảng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và chuyển đổi số, đồng thời huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới dựa trên 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo chiến lược “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.

c) Phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu, động lực của sự phát triển; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

[...]