Công văn 9421/BTC-TCT năm 2023 thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng tại Công ty An Phát do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 9421/BTC-TCT
Ngày ban hành 05/09/2023
Ngày có hiệu lực 05/09/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Đức Chi
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9421/BTC-TCT
V/v thực hiện kiến nghị của UBTVQH về hoàn thuế GTGT tại Công ty An Phát

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Ban Dân nguyện.

Bộ Tài chính nhận được Công văn số 883/BDN ngày 26/7/2023 của Ban Dân nguyện về việc thực hiện kiến nghị của UBTVQH về hoàn thuế GTGT tại Công ty An Phát (kèm theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023 tại Thông báo số 2654/TB-TTKQH ngày 26/07/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội).

Về vấn đề này, trên cơ sở báo cáo của Cục Thuế thành phố Hà Nội tại Công văn số 57459/CTHN-TTKT10 ngày 07/08/2023, Bộ Tài chính tổng hợp, đánh giá và có ý kiến như sau:

1. Các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang tạm dừng của Công ty An Phát.

Công ty Cổ phần Thương mại Xuất Nhập Khẩu Toàn cầu An Phát (trước đây là Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ Đầu tư An Phát, sau đây gọi tắt là Công ty) được thành lập năm 2012, đăng ký kê khai nộp thuế tại: Chi cục Thuế quận Ba Đình - Thành phố Hà Nội.

- Từ ngày thành lập năm 2012 đến tháng 12/2019, Công ty đã đề nghị hoàn thuế GTGT 31 kỳ. Tổng số thuế GTGT đã được hoàn là 121.290.601.263 đồng.

- Kỳ hoàn số 32 (kỳ tính thuế từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020), Công ty đề nghị hoàn thuế GTGT trường hợp xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn, số tiền: 7.998.616.902 đồng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của Công ty, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra chấp hành pháp luật thuế năm 2017-2019 và thanh tra trước hoàn thuế giai đoạn từ tháng 12/2019-01/2020 đối với Công ty và ban hành Kết luận thanh tra số 68839/KL-CT-TTKT10 ngày 24/7/2020 về việc tạm dừng hoàn thuế GTGT cho kỳ tính thuế tháng 12/2019-01/2020 để chờ cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

- Kỳ hoàn số 33 (kỳ tính thuế từ tháng 02/2020 đến tháng 03/2021) đề nghị hoàn: 3.840.974.000 đồng. Lý do đề nghị hoàn: Hoàn thuế GTGT đối với trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn. Chi cục Thuế quận Ba Đình đã thực hiện kiểm tra trước hoàn, hiện nay đang tạm dừng để xác minh.

Công ty đã gửi Đơn khiếu nại Kết luận số 68839/KL-CT-TTKT10 nêu trên đến cơ quan Thuế. Đơn khiếu nại của Công ty được Cục Thuế thành phố Hà Nội giải quyết khiếu nại lần đầu tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 85586/QĐ-CT-KTNB ngày 23/9/2020, Tổng cục Thuế giải quyết khiếu nại lần 2 tại Quyết định số 333/QĐ-TCT-KTNB ngày 12/3/2021, kết quả giải quyết khiếu nại lần 1 và lần 2 đều: Không chấp nhận nội dung khiếu nại của Công ty.

2. Công tác phân tích rủi ro và phối hợp xác minh của cơ quan thuế

Năm 2019, thực hiện công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới đường bộ, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã rà soát và phân tích rủi ro đối với các hồ sơ hoàn thuế của Công ty An Phát.

Nhận thấy Công ty có rủi ro cao, cần thiết phải xác minh các giao dịch kinh tế có liên quan, Cục Thuế thành phố Hà Nội đề nghị[1] Tổng cục Thuế hỗ trợ xác minh thông tin về các khách hàng (1 tổ chức và 02 cá nhân) nhập khẩu hàng hóa của Công ty tại Trung Quốc. Kết quả xác minh do Tổng cục Thuế Trung Quốc[2] cung cấp cho thấy: 01 tổ chức đã bỏ địa chỉ kinh doanh từ tháng 01/2018; 01 cá nhân không có thật; 01 cá nhân không thừa nhận có quan hệ kinh tế, mua tinh bột sắn từ Công ty[3].

Kết quả xác minh đặt ra nghi vấn rất lớn về tính xác thực của giao dịch kinh tế và tính hợp pháp của các hợp đồng kinh tế giữa Công ty An Phát (là bên xuất khẩu) với bên nhập khẩu, trong khi hợp đồng là một trong các điều kiện quan trọng để được hoàn thuế theo quy định pháp luật. Do đó, để có cơ sở cho việc hoàn thuế tại công ty An Phát, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế và kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố Hà Nội: “Trong quá trình thanh tra, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tiến hành phân tích hồ sơ, đánh giá rủi ro đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoàn thuế, sau khi phân tích hồ sơ đã xuất hiện một số các dấu hiệu rủi ro như về quy mô doanh nghiệp, công ty thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ, số lao động ít, công ty kinh doanh thương mại xuất khẩu có doanh thu lớn hơn nhiều lần so với số vốn điều lệ; công ty không có kho hàng. Hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển trực tiếp từ nhà cung cấp đến thẳng cửa khẩu xuất khẩu hoặc được công ty thuê vận chuyển đến cửa khẩu xuất khẩu. Các cửa khẩu xuất hàng được thông báo thông qua điện thoại hoặc tin nhắn từ phía khách hàng Trung Quốc cho công ty mà không quy định cụ thể trên hợp đồng mua bán.” Về chứng từ thanh toán, mặc dù nội dung thanh toán thể hiện số, ngày tháng hợp đồng mua bán nhưng “chứng từ thanh toán biên mậu qua Internet Banking TQ VN không có thông tin của khách hàng nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu, không có thông tin về người mua hàng. Người chuyển tiền là các Trung tâm thanh toán hoặc các cá nhân được ủy quyền thanh toán theo hợp đồng.”

Vì vậy, Cục Thuế tiếp tục đề nghị Tổng cục Thuế[4] hỗ trợ xác minh các khách hàng là tổ chức, cá nhân người Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng tinh bột sắn của Công ty An Phát. Kết quả xác minh do Tổng cục Thuế Trung Quốc cung cấp cho thấy: 01 Công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh; 02 Công ty và 03 cá nhân không có thật (không tồn tại tại địa chỉ); còn lại 15 Công ty và 03 cá nhân không thừa nhận có quan hệ kinh tế với Công ty An Phát[5].

Việc bên nhập khẩu không tồn tại hoặc không thừa nhận có nhập khẩu tinh bột sắn từ Công ty An Phát dẫn đến rủi ro cao về giá trị pháp lý của hợp đồng. Từ tình hình trên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA ngày 20/6/2016 của Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã có văn bản[6] đề nghị cơ quan điều tra phối hợp xác minh đối chiếu các hợp đồng xuất khẩu; hàng hóa mua vào của Công ty An Phát.

Ngày 15/10/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội ban hành Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm số 617/PC03, trong đó có nêu: “Công An thành phố Hà Nội đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tương trợ tư pháp, hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật nhung chưa có kết quả, ngày 15/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định số 360/PC03-Đ5 về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.”

Ngày 18/01/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội có công văn số 181/CSĐT-Đ5 trao đổi kết quả xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT của Công ty An Phát: “Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu tinh bột sắn của Công ty An Phát, do đến nay chưa có kết quả tương trợ tư pháp của cơ quan chức năng phía Trung Quốc nên Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội chưa có đủ căn cứ để kết luận việc mua bán tinh bột sắn giữa các doanh nghiệp này với Công ty An Phát.”

Ngày 24/07/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội tiếp tục có công văn số 6616/CSĐT-Đ5[7] trao đổi kết quả liên quan đến việc xác minh dấu hiệu vi phạm hoàn thuế GTGT của Công ty An Phát: “Cơ quan điều tra đã yêu cầu tương trợ tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc nêu trên đang tạm đình chỉ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, do vậy chưa đủ căn cứ kết luận việc mua bán, nhập khẩu tinh bột sắn của các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc với Công ty An Phát.

Đến nay, qua công tác phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội thì Cục Thuế thành phố Hà Nội có báo cáo:

“Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện xác minh khách hàng Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Công ty An Phát. Đến nay đã có 03 văn bản gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề nghị hỗ trợ thực hiện.

Sau 03 lần Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam gửi công văn đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc để phối hợp xác minh thì ngày 26/7/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản đề nghị bổ sung thông tin, tài liệu cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc theo Công hàm đề ngày 02/6/2023. Việc cung cấp thông tin này là để tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc xem xét, thực hiện nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp cho phía Việt Nam.”

*Liên quan đến hồ sơ hoàn thuế GTGT của Công ty An Phát, trong chương trình làm việc ngày 22/8/2023 của Đoàn công tác của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) tại Cục Thuế thành phố Hà Nội về các nội dung liên quan trong công tác hoàn thuế GTGT, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã báo cáo bổ sung:

Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ thứ 32, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định giải quyết hoàn thuế số 163093/QĐ-CTHN-KDT ngày 21/8/2023, số tiền thuế Công ty được hoàn: 339.287.902 đồng và ra Thông báo số 18748/TB-CCT-KTr2 ngày 18/8/2023 về số thuế GTGT chưa đủ điều kiện được hoàn: 7.659.329.000. Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ thứ 33, Cục Thuế ra Thông báo số 18749/TB-CCT-KTr2 ngày 18/8/2023 về số thuế GTGT chưa đủ điều kiện được hoàn: 3.840.974.000 đồng.

3. Căn cứ phép lý và đánh giá của Bộ Tài chính

- Căn cứ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý thuế ngày 13/06/2019[8], thông tin trao đổi với cơ quan thuế nước ngoài là một trong các nguồn thông tin mà cơ quan thuế phải rà soát, xử lý trong công tác quản lý thuế. Căn cứ thông tin nhận được, cơ quan thuế đánh giá rủi ro về thuế và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế tại khoản 14 và 15 Điều 3 và Điều 9 Luật Quản lý thuế[9].

Do đó, thông tin trao đổi giữa Tổng cục Thuế Việt Nam và Tổng cục Thuế Trung Quốc theo Hiệp định thuế giữa 02 nước là nguồn thông tin quan trọng, có giá trị pháp lý mà cơ quan thuế phải đánh giá và cân nhắc trong quá trình quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế nói riêng.

- Căn cứ khoản 2 Điều 12 và khoản 2 Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03/6/2008[10], hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu cần đáp ứng 04 điều kiện: (i) hợp đồng ký kết với bên nhập khẩu; (ii) hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; (iii) chứng từ thanh toán qua ngân hàng; và (iv) tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ