Công văn 942/BGDĐT-NGCBQLGD bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng Báo cáo TEMIS năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 942/BGDĐT-NGCBQLGD
Ngày ban hành 16/03/2022
Ngày có hiệu lực 16/03/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 942/BGDĐT-NGCBQLGD
V/v bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện Chương trình GDPT 2018 và xây dựng Báo cáo TEMIS năm 2022

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo[1]

Thực hiện Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT ngày 12/9/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT ngày 04/12/2019 của Bộ GDĐT ban hành Danh mục các mô-đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Quyết định số 4660), Bộ GDĐT hướng dẫn các địa phương triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng Báo cáo TEMIS năm 2022 như sau:

1. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán

a) Nội dung, tài liệu bồi dưỡng

Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán mô-đun 6, 7, 8[2] theo Quyết định số 4660.

Tài liệu bồi dưỡng được xây dựng trong Chương trình ETEP đã được Bộ GDĐT nghiệm thu, phê duyệt.

b) Hình thức tổ chức bồi dưỡng

Các địa phương lựa chọn hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tiễn; khuyến khích tổ chức cho học viên học tập trực tuyến kết hợp với học tập trực tiếp theo Mô hình 7-2-7 (Mỗi mô-đun có 07 ngày học viên tự học trên hệ thống học tập trực tuyến LMS; tiếp theo là học trực tiếp 02 ngày; sau cùng là 07 ngày tự học, hoàn thành các bài tập trên hệ thống học tập trực tuyến LMS; trường hợp do thiên tai hoặc bệnh dịch diễn biến phức tạp, có thể thay thế học trực tiếp 02 ngày bằng học trực tiếp qua lớp học ảo).

c) Tiêu chuẩn giảng viên tham gia bồi dưỡng

Giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán phải đáp ứng các tiêu chí lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt[3], đồng thời đã hoàn thành tập huấn chuyển giao tài liệu bồi dưỡng các mô-đun 6, 7, 8.

d) Điều kiện cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng

Các cơ sở giáo dục được lựa chọn để tổ chức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán phải có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điểm c của Mục này, đồng thời có điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng theo hình thức đã lựa chọn.

e) Lựa chọn và bồi dưỡng bổ sung đội ngũ cốt cán

Trường hợp các địa phương thiếu hụt đội ngũ cốt cán, các Sở GDĐT tổ chức lựa chọn bổ sung đội ngũ cốt cán[4]; ưu tiên lựa chọn các Tổ trưởng chuyên môn đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng của Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP); đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục để tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán đảm bảo chất lượng.

f) Thời gian hoàn thành: Các địa phương hoàn thành bồi dưỡng mô-đun 6, 7, 8 trước 30/8/2022.

g ) Kinh phí bồi dưỡng: Từ ngân sách địa phương.

2. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà

a) Nội dung, tài liệu bồi dưỡng

Tổ chức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà các mô-đun theo Quyết định số 4660 như sau:

- Đối với những giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun 1, 2, 3, 4 sẽ tiếp tục tham gia bồi dưỡng mô-đun 5, 9; đồng thời lựa chọn thêm các mô-đun còn lại (ưu tiên các mô-đun trong số các mô-đun 6, 7, 8) để đảm bảo đủ thời lượng bồi dưỡng trong năm học theo quy định.

- Đối với những giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mới được tuyển dụng và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông mới được bổ nhiệm chưa được bồi dưỡng càn bồi dưỡng mô-đun 1 (bắt buộc); đồng thời lựa chọn thêm các mô-đun còn lại (ưu tiên các mô-đun trong số các mô-đun 2, 3, 4) để đảm bảo đủ thời lượng bồi dưỡng trong năm học theo quy định.

Tài liệu bồi dưỡng được xây dựng trong Chương trình ETEP đã được Bộ GDĐT nghiệm thu, phê duyệt.

b) Hình thức tổ chức bồi dưỡng

Các địa phương lựa chọn hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tiễn; khuyến khích tổ chức cho học viên tự học tập thường xuyên, liên tục tại trường/cụm trường thông qua hệ thống học tập trực tuyến LMS đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ GDĐT[5]; kết hợp với hoạt động sinh hoạt chuyên môn có sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán.

Thời gian tối thiểu để tính cho một giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán (hoặc cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán) hỗ trợ cho nhóm khoảng 50 giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đại trà (hoặc khoảng 50 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà) qua hệ thống học tập trực tuyến LMS và trực tiếp là 40 tiết quy đổi/1 mô-đun. Tương tự, thời gian tối thiểu để tính cho một giảng viên sư phạm chủ chốt (hoặc giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt) hỗ trợ cho nhóm khoảng 50 giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán (hoặc khoảng 50 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán) qua hệ thống học tập trực tuyến LMS và trực tiếp là 40 tiết quy đổi/1 mô-đun.

c) Thời gian hoàn thành: Các địa phương hoàn thành bồi dưỡng mô-đun 5, 9 trước 31/5/2022; các mô-đun còn lại hoàn thành trước 31/12/2022.

d) Kinh phí bồi dưỡng: Từ ngân sách địa phương.

3. Xây dựng báo cáo TEMIS

[...]