Công văn 763/BYT-TT-KT hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông y tế năm 2022 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 763/BYT-TT-KT
Ngày ban hành 21/02/2022
Ngày có hiệu lực 21/02/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 763/BYT-TT-KT
V/v hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông y tế năm 2022

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Vụ, Cục, Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi. Là năm Ngành Y tế cần nghiên cứu thực hiện những điều chỉnh chiến lược liên quan tới hệ thống y tế trong giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2021-2030) để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững về y tế, đặc biệt là Mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030.

Là năm đánh dấu các làn sóng dịch tiếp tục bùng phát trên toàn cầu. Kể từ cuối tháng 3 năm 2021, thế giới ghi nhận làn sóng dịch bùng phát tại nhiều quốc gia với biến thể Delta khả năng lây nhanh, mạnh; đặc biệt biến thể Omicron xuất hiện từ tháng 11/2021 với độ lây nhiễm cao hơn nhiều so với chủng Delta, tăng nguy cơ quá tải hệ thống y tế. Đến nay có trên 120 nước đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đại dịch COVID-19 mới xuất hiện chưa có trong tiền lệ do vậy các mô hình phòng chống dịch trên toàn cầu đều phải điều chỉnh liên tục (nhiều mô hình từng được xem là hình mẫu trong đợt dịch trước lại trở nên thiếu hiệu quả trong đợt dịch sau), hậu quả là tác động ngăn chặn đại dịch cũng như hiệu quả sử dụng nguồn lực phòng chống đại dịch trên phạm vi toàn cầu còn nhiều điểm hạn chế. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn và áp dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó phù hợp, không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, đồng thời đang thúc đẩy việc từng bước mở cửa, giao lưu, giao thương quốc tế.

Diễn biến đại dịch COVID-19, đặc biệt trong năm 2021, cho thấy hệ thống y tế, kể cả tại các quốc gia phát triển nhất đều có rủi ro (quá tải, khủng hoảng) khi đối mặt với những làn sóng lây nhiễm lớn. Đại dịch COVID-19 đang đe dọa và làm đảo ngược các thành tựu y tế toàn cầu (các chỉ số sức khỏe của các quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực, ngay cả nhóm các quốc gia phát triển nhất), triển vọng đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của nhân loại trở nên khó khăn. Dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần mà tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu vào các cộng đồng dân cư, đô thị lớn. Các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, vượt xa năng lực hiện hữu của hệ thống y tế các địa phương này (kể cả năng lực dự phòng và khám chữa bệnh, năng lực mạng lưới y tế cơ sở và y tế chuyên sâu). Số ca nhiễm, đặc biệt là số ca nhiễm cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên toàn bộ hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, gây ra tình trạng quá tải thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.

Trong bối cảnh đặc biệt thách thức của năm 2021, hệ thống y tế Việt Nam, dưới sự Lãnh đạo của Đảng và được sự hỗ trợ của khối đại đoàn kết dân tộc, đã hoạt động vượt mức giới hạn, vừa thực hiện tốt các hoạt động có tính chất cấp bách trong phòng chống dịch, vừa thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các chiến lược đổi mới trung và dài hạn của Ngành y tế (về cấu trúc mạng lưới và vận hành chức năng, nhân lực y tế, tài chính y tế, thông tin y tế…). Hệ thống y tế, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể hệ thống, đặc biệt là các lực lượng y tế tuyến đầu, được xem là trụ vững ngay trong những thời điểm thách thức nhất của làn sóng dịch lần thứ tư: ngăn chặn dịch leo thang lên mức khủng hoảng hay thảm họa y tế như nhiều quốc gia khác trên thế giới (như Ấn độ, Indonesia); tình trạng khủng hoảng y tế cục bộ được xử lý nhanh; tình trạng quá tải y tế không kéo dài; số ca nhiễm và số ca tử vong/triệu dân dù tăng nhanh so với năm 2020 nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu; Các hoạt động y tế thường quy vẫn được duy trì tương đối hiệu quả, tránh tình trạng đứt gãy hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã hoàn thành tốt hầu hết các chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực năm 2021 được giao tại Phụ lục 3 Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 (thực hiện đạt 15/18 chỉ tiêu). Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm thụt lùi thậm chí đảo ngược các thành tựu y tế toàn cầu, kết quả này có thể được xem là một thành công đáng khích lệ của ngành Y tế Việt Nam.

Trước tình hình khó khăn năm 2021, Truyền thông y tế đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phổ biến kiến thức để người dân thay đổi các hành vi có lợi cho sức khỏe, chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, truyền thông y tế đã chủ động, tích cực bám sát mọi hoạt động công tác phòng, chống dịch, sử dụng mọi hình thức để ghi nhận, thông tin kịp thời về các tập thể, mô hình, cá nhân tận tâm cống hiến, hy sinh cho cuộc chiến chống dịch thực hiện hiệu quả; truyền thông kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vận động người dân thực hiện “5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp”, hiểu rõ, tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến tất cả người dân, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam, được Chính phủ và nhân dân Việt Nam ghi nhận; đồng thời góp phần tạo được uy tín của Việt Nam đối với dư luận quốc tế.

Thực hiện chủ đề điều hành của Chính phủ trong năm 2022 “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế giai đoạn tới; Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế các ngành (sau đây gọi là các đơn vị) triển khai công tác truyền thông y tế năm 2022 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đến cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân để tạo môi trường xã hội đồng thuận trong việc thực thi các quy định; đồng thời bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về dịch bệnh, bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt về đại dịch COVID-19 để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và chủ động phòng ngừa.

2. Nhiệm vụ

2.1. Chủ động, tích cực truyền thông vận động để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Truyền thông về các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; các văn kiện, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các kế hoạch, chương trình hành động có liên quan để thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023), góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Phối hợp các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2.2. Triển khai đồng bộ công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc CHỦ ĐỘNG, MINH BẠCH, KỊP THỜI, CHÍNH XÁC, HIỆU QUẢ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); truyền thông sâu rộng về thực hiện hiệu quả các yêu cầu: 5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp khác để người dân hiểu, tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch và các hoạt động ứng phó của Việt Nam, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng Thông điệp 5K; truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến các nhóm đối tượng đích để khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng theo lịch trình khuyến cáo của ngành y tế; truyền thông về các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

2.3. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe để mỗi người dân và cộng đồng chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch, bệnh khác, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, ủng hộ và tham gia hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, giảm quá tải bệnh viện, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dân số giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…

2.4. Truyền thông về các nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022 (nội dung tại Phụ lục 2) và giai đoạn 2021 - 2025 trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế như: xây dựng, chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch COVID-19, phòng chống dịch bệnh khác; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác y tế (phòng, chống dịch COVID-19, Đề án khám, chữa bệnh từ xa, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, cổng công khai y tế, mạng kết nối y tế…); nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, giảm quá tải bệnh viện; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp; tính đúng giá dịch vụ y tế; nâng cao chất lượng y tế cơ sở ; bảo hiểm y tế toàn dân; quản lý và phòng chống yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm; an toàn tiêm chủng; phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; an toàn thực phẩm; hạn chế tai biến y khoa; ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh và thành tựu công tác y tế và các lĩnh vực y tế khác.

2.5. Chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, minh bạch, chính xác cho các cơ quan báo chí, tập huấn chia sẻ thông tin và mời tham gia các hoạt động y tế đối với đội ngũ phóng viên theo dõi công tác y tế, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của dư luận xã hội, của hệ thống truyền thông và mỗi người dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các lĩnh vực công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2.6. Truyền thông giáo dục y đức, y nghiệp, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở y tế và sinh viên các trường y, dược. Tổ chức các hoạt động tôn vinh nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm 2022. Biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, các mô hình hiệu quả và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là những tấm gương Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

2.7. Giới thiệu, quảng bá thành tựu, tiến bộ y học của ngành y tế đến nhân dân cả nước và trên thế giới, tạo niềm tin của nhân dân, của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

2.8. Quản lý thông tin y tế, phối hợp xử lý khủng hoảng truyền thông, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi xảy ra các sự cố, tai biến trong công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, các lĩnh vực quản lý của ngành y tế; quản lý và phối hợp các cơ quan có trách nhiệm xử lý tin đồn, tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2.9. Trang bị các kỹ năng truyền thông y tế cho cán bộ, nhân viên y tế, chú trọng tập huấn kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ, makerting bệnh viện, xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến công tác y tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả trong toàn ngành y tế Quyết định 02/QĐ-BYT ngày 02/01/2020 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch tổng thể truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.

2.10. Ban hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế để thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch các cơ quan báo chí ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn 2030; thực hiện quy hoạch đối với các tạp chí, bản tin y tế.

II. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Y tế triển khai thực hiện 02 Nghị quyết; truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các kế hoạch, chương trình hành động có liên quan; Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023). Đồng thời, lồng ghép truyền thông mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022 với các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của các ngành, địa phương.

2. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, giữa Trung ương và địa phương, giữa các ban, ngành, đoàn thể trên cùng một địa bàn, với vai trò chủ yếu là ngành y tế để chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận cao, sự thống nhất trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW và các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác phòng, chống dịch COVID-19.

3. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin được quy định tại Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 ngày 06/4/2016 của Quốc hội khóa 13; Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018 của Quốc hội khóa 14; Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Quy định của Bộ Y tế về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế. Giám sát việc phân công người phát ngôn và triển khai thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin y tế tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Xây dựng cơ chế phối hợp và kênh phản hồi thông tin giữa các cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế với các cơ quan truyền thông đại chúng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để định hướng thông tin và dư luận; tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm của xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và đặc biệt là công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

5. Đổi mới phương thức truyền thông y tế, sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên mạng xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phát triển các loại hình truyền thông mới có hiệu quả cao (trên nền tảng Internet và mạng điện thoại di động) để lan tỏa, chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phổ biến kiến thức, thực hành chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến từng người dân.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ