Kết luận 25-KL/TW năm 2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023) do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 25-KL/TW
Ngày ban hành 30/12/2021
Ngày có hiệu lực 30/12/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 25-KL/TW

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 (2022 - 2023)

Tại phiên họp ngày 30/12/2021, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Y tế báo cáo về Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 (Tờ trình số 12-TTr/BCSĐ, ngày 15/12/2021), ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

1. Trong 2 năm vừa qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng và Nhà nước công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện kiên quyết, kiên trì, xuyên suốt; các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp, huy động được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn xã hội nhằm ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; đạt được nhiều kết quả quan trọng, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến nhanh, chưa có tiền lệ, công tác dự báo chưa tốt nên còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; có lúc, có việc chỉ đạo chưa cụ thể, thiếu nhất quán, biện pháp chưa đáp ứng được yêu cầu; một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan, lúng túng; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả; chính sách hỗ trợ đội ngũ y tế ở tuyến đầu chưa kịp thời; tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp gây bức xúc cho nhân dân.

Từ thực tiễn phòng, chống dịch đã rút ra được một số kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện nguyên lý, biện pháp, cách thức trong phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vắc-xin và chiến lược tiêm chủng đã phát huy hiệu quả; ý thức của người dân đã được nâng cao hơn, từ đó giúp chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch bệnh, kiểm soát các ca mắc mới sang quản lý rủi ro, chung sống an toàn, linh hoạt, hạn chế lây lan trong cộng đồng, tập trung kiểm soát các ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, sẵn sàng áp dụng biện pháp hành chính về giãn cách xã hội khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế hoặc xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn.

2. Dự báo tình hình dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được trước năm 2023, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm và lây lan nhanh hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao; cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

3. Cơ bản nhất trí với Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023), đồng thời nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình cần bảo đảm tình thống nhất, đồng bộ, cụ thể và khả thi. Nâng cao năng lực, tăng cường quản lý nhà nước các cấp trong phòng, chống dịch; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện kịp thời các dự án luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và y tế. Nâng cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.

Đồng ý chủ trương với các kiến nghị trong Tờ trình: (1) Xã hội hoá nguồn lực phòng, chống dịch (vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19, xét nghiệm) với biện pháp thích hợp vào từng thời điểm; trước mắt tiêm vắc-xin miễn phí cho người dân; người dân, doanh nghiệp tự chi trả chi phí xét nghiệm; tổ chức xét nghiệm miễn phí cho các đối tượng cần thiết; thực hiện cấp phát thuốc điều trị Covid-19 miễn phí kết hợp để người dân tự chi trả, đi kèm với các quy định kiểm tra, giám sát bảo đảm chặt chẽ, đúng mục tiêu đề ra. (2) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm Covid-19 được thu chi phí theo mức giá do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quy định trong trường hợp người bệnh tự nguyện; trường hợp các cơ sở y tế tư nhân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm Covid-19 thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bảo hiểm y tế trên địa bàn. (3) Thực hiện tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế. (4) Điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên mức 100%.

4. Ban cán sự đảng Chính phủ căn cứ tình hình thực tế xem xét, quyết định thời điểm, phương thức tiến hành triển khai thực hiện các kiến nghị nêu trên bảo đảm phù hợp với các quy định chung.

5. Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện và ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023) theo thể thức văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để có căn cứ tổ chức thực hiện; chỉ đạo huy động và bố trí nguồn lực cho các cấp, ngành, địa phương để thực hiện Chương trình; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Võ Văn Thưởng

 

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ