Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Công văn 7496/BCT-CN năm 2023 về việc làm rõ vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ và mục tiêu của dự án Xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 7496/BCT-CN
Ngày ban hành 27/10/2023
Ngày có hiệu lực 27/10/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Đỗ Thắng Hải
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7496/BCT-CN
V/v làm rõ vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ và mục tiêu của dự án Xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện Thông báo số 1189-TB/BCSĐ ngày 03 tháng 10 năm 2023 của Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh về Dự án “Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp khu vực phía Nam - giai đoạn 1” (Dự án), ngày 19 tháng 10 năm 2023, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với Sở Công Thương và Ban Quản lý khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh về việc xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của Dự án.

Căn cứ kết quả cuộc họp và báo cáo đề xuất của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương có ý kiến với UBND thành phố Hồ Chí Minh về một số nội dung như sau:

I. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của Dự án

1. Hồ sơ pháp lý của Dự án

Báo cáo chủ trương đầu tư Dự án (kèm theo Quyết định số 3542/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án).

Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án và thuyết minh công nghệ (kèm theo Quyết định số 602/QĐ-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt Dự án).

2. Vị trí và vai trò của Dự án

Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương xác định là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; trong quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận được xác định là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu.

Với hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp ngày càng đồng bộ, Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành trung tâm công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước và thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, như Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore...; là nơi tập trung hơn 300 ngàn doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 41% số doanh nghiệp cả nước và tạo ra việc làm cho hơn 5 triệu lao động, chiếm 37,1% lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên cả nước. Với quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng, nhu cầu liên quan đến kỹ thuật, công nghệ là rất lớn (như nhu cầu về tư vấn hỗ trợ đổi mới công nghệ; đào tạo nâng cao tay nghề, cập nhật công nghệ mới; thử nghiệm, kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, cơ sở ươm tạo cho các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ...), tuy nhiên, cho đến nay, các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa có trung tâm kỹ thuật để hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Thời gian qua, với việc hình thành các khu công nghiệp tập trung và đẩy mạnh phát triển các ngành mũi nhọn như công nghệ tin học, hóa chất, khai thác và chế biến dầu khí đã tạo ra bước đệm công nghiệp hóa không chỉ của vùng mà còn của cả nước. Cơ cấu kinh tế toàn vùng đã có bước chuyển dịch nhanh và đúng định hướng theo xu thế giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp và khu vực công nghiệp - xây dựng trong GDP, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP.

Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất toàn vùng được nâng cao về chất và lượng. Toàn vùng đã huy động được các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, nhờ đó đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước. Đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số lượng dự án, vốn FDI vào đây không ngừng tăng lên. Đối với công tác liên kết vùng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông, được các địa phương trong vùng chú trọng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thu hút đầu tư.

Mặc dù vậy, công nghiệp tại vùng kinh tế này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một trong những nguyên nhân chủ yếu do công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp còn yếu. Tỷ lệ các nhà cung ứng trên các doanh nghiệp lắp ráp hạ nguồn còn thấp hơn rất nhiều so với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận của các quốc gia khu vực như Thái Lan, Indonesia. Năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong vùng mới chỉ ở dạng tiềm năng, vì vậy mặc dù nhu cầu cung cấp linh phụ kiện cho các ngành hạ nguồn ở đây rất lớn, các sản phẩm CNHT chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Các doanh nghiệp CNHT cung cấp chính cho các sản phẩm hạ nguồn chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI. Theo thống kê, có hơn 50% các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm của Vùng kinh tế - là doanh nghiệp CNHT, chủ yếu sản xuất để cung ứng cho các Tập đoàn đa quốc gia. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của các Tập đoàn lắp ráp hạ nguồn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất hạn chế.

Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (Southern Industrial Development Center, S-IDC) đã được thành lập tại Quyết định số 676/QĐ-BCT ngày 06 tháng 8 năm 2020 ra đời với vai trò đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp tại các tỉnh miền Nam thông qua các hoạt động: nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, giải mã công nghệ, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở ươm tạo cho các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ... cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như cơ khí ô tô, điện tử, vật liệu mới trong lĩnh vực dệt may và da giày.

3. Chức năng và nhiệm vụ của dự án (bổ sung chức năng ươm tạo)

Theo Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và theo Điều 2 Thông tư số 27/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định các điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

“1. Chức năng của cơ sở ươm tạo:

a) Hỗ trợ sử dụng Phòng thí nghiệm, phòng sản xuất thử nghiệm, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật để hoàn thiện ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm công nghệ cao.

b) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn và đào tạo bao gồm: công nghệ ươm tạo, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản trị doanh nghiệp, kết nối đầu tư;

c) Hỗ trợ tư vấn xây dựng phương án, mô hình kinh doanh;

d) Cung cấp các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển trong giai đoạn đầu mới thành lập;

đ) Có quy trình ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”

Như vậy, với việc bổ sung thêm chức năng ươm tạo và làm rõ Hợp phần hỗ trợ vật liệu mới (dệt may, da giày), chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam, phù hợp với với chức năng nghiên cứu phát triển, đào tạo, cơ sở ươm tạo cho các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ: ươm tạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, vi điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano.

4. Mục tiêu xây dựng của Dự án

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm, giải mã, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cải tiến, đổi mới công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị và mặt bằng dùng chung, cơ sở ươm tạo cho các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và hướng tới hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện công nghệ cao, hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trung tâm dự kiến được xây dựng tại Lô đất E6-5 Khu Không gian khoa học Khu Công nghệ cao, tổng diện tích là 33.367,7 m2 bao gồm 05 khối nhà chính: Nhà điều hành quản lý; khu nhà xưởng và RD1; nhà xưởng và RD2; nhà xưởng và RD3, tòa nhà ươm tạo doanh nghiệp, khu phụ trợ: nhà ăn, bếp, trạm cung cấp nước, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp, thử nghiệm, thực nghiệm.... Trong đó Khu nhà xưởng và RD đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến kết quả và mục tiêu của dự án. Khu này được chia thành 2 giai đoạn với các hợp phần: Hợp phần hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo khuôn mẫu; Khu cơ điện tử - vi cơ điện tử và tự động hóa; Hợp phần hỗ trợ ngành vật liệu mới.

5. Tổng mức đầu tư của Dự án

Giai đoạn 1 (2021-2025): Tổng mức đầu tư của Dự án là 600 tỷ đồng (gồm: (i) chi phí thi công xây dựng công trình: 360 tỷ đồng- nguồn vốn đầu tư công; (ii) Chi phí phần thiết bị công nghệ: 240 tỷ đồng - kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

[...]