Công văn 7418/BNN-TCTL năm 2014 về kiểm tra, đánh giá an toàn hồ chứa nước thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 7418/BNN-TCTL
Ngày ban hành 15/09/2014
Ngày có hiệu lực 15/09/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hoàng Văn Thắng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7418/BNN-TCTL
V/v kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa nước thủy lợi

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Xây dựng

Theo đề nghị tại văn bản số 1392/BXD-GĐ ngày 23/6/2014 của Bộ Xây dựng về việc kiểm tra, đánh giá an toàn của các hồ chứa trên toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ chứa thủy lợi trong phạm vi kiểm tra (hồ chứa có dung tích trữ từ 3,0 triệu m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 15 m đến dưới 50m) như sau:

I. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG AN TOÀN ĐẬP

1. Phạm vi hồ chứa kiểm tra

1.1. Số lượng

Trên phạm vi cả nước, số lượng hồ có dung tích trữ từ 3,0 triệu m3 nước trở lên hoặc đập có chiều cao từ 15m đến dưới 50m là 559 hồ chứa.

1.2. Phân loại đập theo kết cấu

- Đập bê tông trọng lực: 3 hồ (Định Bình, Tân Giang, Lòng Sông).

- Đập đất đá hỗn hợp: 1 hồ (Sông Quao).

- Đập đất: 555 hồ.

2. Kết quả kiểm tra, đánh giá

2.1. Hiện trạng đập, hồ chứa thủy lợi

a) Đánh giá chung

Hầu hết các đập của hồ chứa thủy lợi là đập đất (trừ một số đập của các hồ mới xây dựng trong những năm gần đây). Các hồ chứa xây dựng sau năm 2000 được thiết kế ở mức đảm bảo an toàn. Các hồ chứa xây dựng trước năm 2000, sau một thời gian khai thác vận hành đến nay nhiều hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 và nhiều hồ chứa nước có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên. Nhìn chung, các hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 bảo đảm an toàn chống lũ theo tiêu chuẩn thiết kế.

b) Thống kê số lượng các đập có biểu hiện thấm, nứt, sạt trượt mái đập, xói lở hạ lưu và các hiện tượng bất thường khác

Các hư hỏng xảy ra chủ yếu là đập bị thấm, biến dạng mái đập, thân tràn xả lũ bị xói lở bào mòn, thân cống bị hư hỏng, một số các hư hỏng khác được thống kê cụ thể như sau:

Hiện trạng đập:

- Có hiện tượng nứt đập: 22 đập;

- Tình trạng thấm: Thấm nhẹ 140 đập, thấm nặng 11 đập;

- Biến dạng mái đập: Mức độ nhẹ 61 đập, mức nặng 10 đập;

Các hồ chứa cần lưu ý về tình trạng mất an toàn đập gồm:

Đập bị thấm ở mức độ mạnh: Nà Vàng, Ngòi Là 2 (Tuyên Quang); Khuôn Ping, Bản Cưởm (Lạng Sơn); Nước Xanh (Hà Tĩnh); Hóc Cơ (Quảng Ngãi); Đạ Tẻ (Lâm Đồng); Buôn Triết (ĐắkLắk).

Mái đập bị biến dạng tại các hồ: Trục Hồ, Khuôn Ping (Lạng Sơn); Đá Vách, An Long (Quảng Nam); Sông Quao (Bình Thuận); Hà Tam (Gia Lai).

Đập bị lún: Làng Thum (Bắc Giang), Hồ Ban (Hòa Bình), Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Trà Tân (Bình Thuận).

Hiện trạng tràn xả lũ:

- Tình trạng nứt: 25 tràn;

- Hư hỏng thân tràn: Mức độ nhẹ 70 tràn, mức độ nặng 8 tràn.

[...]