Công văn 7164/BYT-KCB tăng cường thực hiện quản lý và xử lý chất thải y tế do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 7164/BYT-KCB
Ngày ban hành 20/10/2008
Ngày có hiệu lực 20/10/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7164/BYT-KCB
V/v tăng cường triển khai thực hiện quản lý và xử lý chất thải y tế

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2008

 

Kính gửi:

- Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Y tế các ngành

 

Trong thời gian vừa qua, các bệnh viện đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế ; hoạt động đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải đã được lồng ghép vào các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo bệnh viện hoặc đề án hỗ trợ y tế. Hiện nay, cả nước đã có gần 200 lò đốt chất thải rắn y tế đang vận hành xử lý cho 73,3% số bệnh viện, tuy nhiên vẫn còn 26,7% các bệnh viện vẫn đang thực hiện chôn lấp chất thải rắn y tế hoặc thiêu đốt ngoài trời. Số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện theo yêu cầu.

Nhằm nghiêm túc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và đẩy nhanh tốc độ thực hiện Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010, tăng cường thực hiện Quy chế Quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường có liên quan đến chất thải y tế, Bộ Y tế yêu cầu:

I. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Khẩn trương xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại của các đơn vị trực thuộc trên địa bàn do sở y tế quản lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 31 Quy chế quản lý chất thải y tế, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại của tỉnh, thành phố và báo cáo về Bộ Y tế, để đến năm 2010 thực hiện xử lý 100% chất thải rắn y tế nguy hại đúng quy định.

2. Nhanh chóng tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế theo hướng dẫn tại Công văn số 6998/BYT-KCB ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo theo quy định.

3. Lồng ghép việc thực hiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại (chất thải rắn và chất thải lỏng) vào các đề án hỗ trợ y tế. Trước mắt ưu tiên nội dung xây dựng hệ thống xử lý chất thải khi triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Trong quá trình xây dựng kế hoạch và lồng ghép thực hiện các đề án xử lý chất thải, cần lưu ý một số điểm sau:

a) Về mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

- Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh lớn tập trung trên địa bàn, giao thông thuận lợi áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn y tế tập trung, một cơ sở xử lý chất thải rắn y tế xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành thiết bị xử lý chất thải.

- Đối với các tỉnh và thành phố khác, áp dụng mô hình xử lý chất thải cho cụm bệnh viện đối với các bệnh viện, cơ sở y tế trong thành phố, thị xã và các bệnh viện huyện gần trung tâm thành phố, thị xã (khoảng cách dưới 30 km).

Đối với mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung và theo cụm bệnh viện, sở y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành có liên quan của địa phương xây dựng cơ chế và đầu tư phương tiện để thu gom và xử lý tập trung.

- Các bệnh viện, cơ sở y tế khác ở xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn không thể áp dụng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung thì áp dụng xử lý chất thải tại chỗ, sử dụng công nghệ xử lý chất thải phù hợp.

b) Về công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

- Tận dụng các lò đốt chất thải rắn y tế hiện có: Đối với các tỉnh, thành phố, các bệnh viện đã được trang bị lò đốt chất thải y tế, tiếp tục tận dụngcông suất lò đốt hiện có trên địa bàn để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các bệnh viện trên địa bàn theo mô hình trên. Phải tiến hành kiểm tra chất lượng khí thải lò đốt đảm bảo tiêu chuẩn khí thải lò đốt theo quy định hiện hành.

- Đối với các tỉnh, thành phố, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện chưa có cơ sở xử lý chất thải hoặc lò đốt được trang bị trước đây, nay đã hỏng, không có khả năng sửa chữa, nâng cấp, đề nghị nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường như công nghệ khử khuẩn, công nghệ vi sóng. Nếu áp dụng công nghệ đốt, lò đốt phải có hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Đối với các bệnh viện huyện ở xa trung tâm, giao thông khó khăn, trong khi chờ dự án đầu tư thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, tạm thời có thể áp dụng phương pháp chôn lấp chất thải nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Điều 22. Quy chế quản lý chất thải y tế.

c) Về xử lý chất thải lỏng bệnh viện

Yêu cầu các bệnh viện thực hiện đúng Điều 27. Quy chế quản lý chất thải y tế.

- Mỗi bệnh viện phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Trường hợp có nhiều bệnh viện liền kề, có thể xử lý chung bằng một hệ thống nhưng phải đảm bảo công suất xử lý và chất lượng nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải phải khẩn trương bổ sung hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.

- Các bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải từ trước nhưng bị hỏng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, phải tu bổ và nâng cấp để vận hành đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Các bệnh viện xây dựng mới, bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải trong hạng mục xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Công nghệ xử lý nước thải bệnh viện phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, phù hợp với các điều kiện địa hình, kinh phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo trì.

- Định kỳ kiểm tra chất lượng nước thải và lưu giữ hồ sơ xử lý nước thải.

II. Thủ trưởng y tế ngành

Chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc lập đề án xử lý chất thải y tế:

[...]