Công văn 667/BVHTTDL-VP năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Số hiệu | 667/BVHTTDL-VP |
Ngày ban hành | 28/02/2023 |
Ngày có hiệu lực | 28/02/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Người ký | Nguyễn Văn Hùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 667/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 18, Điều 21, Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các dự án tu bổ, sửa chữa nhỏ, cấp thiết những phần hư hỏng có nguy cơ đe dọa đến tính bền vững của công trình nhưng không làm ảnh hưởng đến các đặc điểm kết cấu kiến trúc, giá trị gốc của di tích.
2. Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị nghiên cứu, xem xét phục dựng, trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa Mường tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành vừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy được văn hóa dân tộc Mường, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch.
3. Cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp trong vùng lõi sau khi thực hiện khảo cổ Di sản Thành Nhà Hồ. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong vùng lõi Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ được Trung tâm bảo tồn mượn có thời hạn (đất sản xuất nông nghiệp của Nhân dân 3,5ha) để phục vụ khai quật, khảo cổ; nhưng sau khi hoàn thành việc khảo cổ, san lấp, trả lại mặt bằng cho Nhân dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp, diện tích nói trên thực tế tiếp tục sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn cho Nhân dân canh tác hoặc không thể sản xuất được.
4. Cử tri huyện Thọ Xuân đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ tiếp tục quan tâm có kế hoạch mở rộng khảo cổ về Khu di tích lịch sử Kinh đô Vạn lại - Yên trường để sớm được Nhà nước công nhận và có phương án trùng tu, tôn tạo phục vụ văn hóa, tín ngưỡng, phát triển du lịch, tạo thành chuỗi du lịch di tích lịch sử Lê Hoàn - Lam Kinh và Kinh đô Vạn lại - Yên Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
5. Cử tri đề nghị tham mưu Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/10/2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tực, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử; theo hướng phân cấp, phân quyền cho UBND tỉnh, UBND huyện thực hiện thẩm định Dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích cấp Quốc gia đối với những dự án quy mô nhỏ để đảm bảo tiến độ, phù hợp quy định về phân cấp, phân quyền cho cơ sở và điều kiện thực tế trong quá trình tu bổ, tôn tạo đối với các di tích tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 18, Điều 21, Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền thẩm định dự án tu bổ di tích (nội dung số 1 và số 5)
Đối với các dự án tu bổ, sửa chữa nhỏ, cấp thiết những phần hư hỏng có nguy cơ đe dọa đến tính bền vững của công trình nhưng không làm ảnh hưởng đến các đặc điểm kết cấu kiến trúc, giá trị gốc của di tích đã được phân cấp cho địa phương và được quy định tại Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định sửa chữa nhỏ di tích không phải lập, thẩm định dự án.
Tại Mục 2 khoản 12 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, do đó, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm quyền thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt là phù hợp, bảo đảm tính xuyên suốt, tính hệ thống từ nhận diện giá trị của di tích, đến quản lý cũng như giám sát hiệu quả việc bảo vệ giá trị lịch sử, văn hóa của hệ thống di tích trên cả nước ở cấp độ quốc gia.
Đối với việc tu sửa cấp thiết di tích, Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã quy định về việc thẩm định hồ sơ tu sửa cấp thiết di tích: “1. Việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao”.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương gắn chặt với trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát huy vai trò của các cơ quan đoàn thể và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật di sản văn hóa.
2. Về đề nghị nghiên cứu, xem xét phục dựng, trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa Mường trên địa bàn xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tạo điều kiện phát triển du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa không có di tích xếp hạng di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, việc phục dựng, trùng tu, bảo tồn các di tích cấp tỉnh như Đền Mẫu, Đền Tam Thánh,… nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc Mường, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh Thanh Hóa.
3. Về đề nghị xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp trong vùng lõi sau khi thực hiện khảo cổ Di sản Thành Nhà Hồ
Việc tiến hành khai quật khảo cổ khu vực lõi Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ được thực hiện theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015. Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các dự án khai quật khảo cổ và có phương án giải tỏa đền bù phù hợp yêu cầu bảo vệ di tích, đáp ứng nhu cầu của nhân dân đang sinh sống trong khu vực di sản; đồng thời, tiến hành cắm mốc giới di tích, thực hiện lộ trình thu hồi đất các dự án đầu tư.
4. Về đề nghị tham mưu trình Chính phủ tiếp tục quan tâm có kế hoạch mở rộng khảo cổ về Khu di tích lịch sử Kinh đô Vạn lại - Yên trường để sớm được Nhà nước công nhận và có phương án trùng tu, tôn tạo phục vụ văn hóa, tín ngưỡng, phát triển du lịch, tạo thành chuỗi du lịch di tích lịch sử Lê Hoàn - Lam Kinh và Kinh đô Vạn lại - Yên Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 21/10/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2685/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường thuộc xã Thuận Minh và xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; kết quả thăm dò (74m2) và khai quật (220m2) bước đầu đã có những thông tin cơ bản về khu di tích. Tuy nhiên, việc mở rộng khai quật khảo cổ để phục vụ công tác nghiên cứu và xây dựng hồ sơ khoa học do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan có chức năng xây dựng hồ sơ khai quật mở rộng, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét theo quy định. Thông qua kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ, các cơ quan chức năng của tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân) sẽ xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét theo quy định để đưa khu di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường trở thành một điểm trong chuỗi du lịch di tích lịch sử Lê Hoàn - Lam Kinh của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |