Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 15/2019/TT-BVHTTDL
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 20/02/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2019/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH

Căn cứ Điều 34 Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Điều 22 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi là thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích), thiết kế bản vẽ thi công bảo quản hiện vật, đồ thờ (sau đây gọi là thiết kế bản vẽ thi công bảo quản hiện vật); thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi là thi công tu bổ di tích); tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích; tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương (sau đây gọi là đối tượng kiểm kê di tích).

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành lập, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích; tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời toàn bộ hoặc một số cấu kiện, thành phần kiến trúc của một di tích nhằm mục đích bảo quản, tu bổ mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích đó.

2. Gia cố, gia cường di tích là biện pháp làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích hoặc các bộ phận của di tích.

3. Phục chế các thành phần bị hỏng, bị mất của di tích là hoạt động tạo ra sản phẩm mới theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật để thay thế thành phần bị hỏng, bị mất của di tích.

4. Tôn tạo di tích là hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

5. Tu sửa cấp thiết di tích, đối tượng kiểm kê di tích là hoạt động sửa chữa mà không phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc hoặc chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời để ngăn chặn di tích, đối tượng kiểm kê di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại.

6. Bảo quản định kỳ di tích, đối tượng kiểm kê di tích là việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật theo chu kỳ thời gian nhằm ngăn ngừa và loại trừ các tác nhân gây xuống cấp di tích, đối tượng kiểm kê di tích.

Điều 3. Nguyên tắc trong hoạt động thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Được lập trên cơ sở nghiên cứu, xác định đặc điểm, giá trị, tình trạng kỹ thuật, kết quả khảo sát liên quan đến di tích và phải tuân thủ thiết kế cơ sở của dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt.

3. Ưu tiên sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống (trường hợp giải pháp kỹ thuật truyền thống không đáp ứng yêu cầu về tu bổ di tích thì được áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại phù hợp, đã được kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc, giá trị của di tích). Ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích.

4. Được điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh, phát hiện mới về di tích.

5. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích.

Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích

[...]