Công văn 6147/TCHQ-GSQL về thủ tục hải quan đối với hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 6147/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 14/10/2009
Ngày có hiệu lực 14/10/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoàng Việt Cường
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6147/TCHQ-GSQL
V/v: thủ tục hải quan đối với hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2009

 

Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời công văn số 2180/HQHCM-TMXL ngày 23/7/2009 và số 2457/HQHCM-NV ngày 17/8/2009 của Cục Hải quan TP.HCM về nội dung nêu tại trích yếu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về thông quan hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch (gọi chung là kiểm tra chuyên ngành):

a. Hàng hoá đã được cơ quan hải quan làm thủ tục và thông quan (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP, ngày 15/12/2005 của Chính phủ, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ, điểm 5 mục I Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 14/3/2003 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Thuỷ sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 984/TTg-KTTH ngày 26/6/2006, cho doanh nghiệp đưa về kho bảo quản chờ kiểm tra chuyên ngành là hàng hoá đã được thông quan; sau khi thông quan theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009, cơ quan hải quan không áp dụng một trong các biện pháp giám sát quy định tại Điều 26 Luật Hải quan. Trách nhiệm chủ hàng phải xuất trình hàng hoá để cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện kiểm tra, tự bảo quản hàng hoá đến khi có kết luận hàng hoá đạt chất lượng nhập khẩu, nộp giấy kết luận cho cơ quan hải quan để hoàn thành việc thông quan hàng hoá (theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ).

b. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ và khoản 1 Điều 5 Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì cơ quan kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan và người nhập khẩu làm thủ tục thông quan, được hiểu là kiểm tra chất lượng trước, thông quan sau; nhưng việc quy định các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành Danh mục hàng hoá phải kiểm tra trước khi thông quan tại Điều 8 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ, đến nay các Bộ chưa ban hành Danh mục này, do đó không mâu thuẫn với các quy định về thông quan hàng hoá nêu tại điểm 1.a trên đây mà hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 17/2009/TT-BKHCNđiểm 1 mục II công văn số 1879/BKHCN-TĐC ngày 03/8/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

c. Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Hải quan về thời gian giám sát hải quan, cơ quan hải quan không áp dụng vì hàng hoá đã được thông quan nêu tại điểm 1.a trên đây. Tại điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 quy định ghi trên tờ khai hải quan: "hàng chờ kết quả kiểm tra chất lượng" là một biện pháp theo dõi của cơ quan hải quan trên hồ sơ đối với lô hàng đã được thông quan chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành để hoàn thành việc thông quan (theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ), không được hiểu là hàng hoá chưa thông quan.

2. Xử lý vi phạm hành chính về chất lượng:

a. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Căn cứ quy định tại các Điều 27 và 29 Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005, Điều 31 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP của Chính phủ: cơ quan nào phát hiện vi phạm thì cơ quan đó có thẩm quyền xử lý vụ việc. Do đó, nếu cơ quan hải quan phát hiện hành vi tự ý tiêu thụ hàng hoá chờ kiểm tra chuyên ngành thì có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt đối với những vụ việc trong thẩm quyền, những vụ việc vượt thẩm quyền thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, trường hợp hàng hoá vi phạm chưa được kiểm tra chuyên ngành thì chuyển cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra và xử lý theo quy định của chuyên ngành.

b. Quy định xử phạt tại điểm 2.a khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ, chỉ áp dụng đối với vi phạm có liên quan đến hàng hoá đang còn chịu sự giám sát hải quan theo quy định tại Điều 26 Luật Hải quan.

3. Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ, Chi cục Quản lý chất lượng hàng hoá miền Nam và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM chưa được Bộ Y tế chỉ định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó cơ quan hải quan không được tiếp nhận giấy đăng ký kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do hai cơ quan này xác nhận để làm thủ tục.

4. Tại điểm 1 mục II công văn số 1879/BKHCN-TĐC ngày 03/8/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ giải thích và hướng dẫn: "người nhập khẩu phải cam đoan thực hiện việc kiểm tra và ghi địa điểm tập kết hàng hoá" thể hiện trách nhiệm của người nhập khẩu với cơ quan kiểm tra. Cơ quan hải quan không yêu cầu người nhập khẩu phải nộp văn bản cam kết khi làm thủ tục hải quan.

5. Quy định xử lý vi phạm về nhãn hàng hoá tại điểm b khoản 3 Điều 18 Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ, do cơ quan kiểm tra chất lượng phát hiện và xử lý. Trường hợp trong thời gian chờ khắc phục về nhãn, nếu chủ hàng tự ý tiêu thụ hàng hoá thì cơ quan nào phát hiện, cơ quan đó lập biên bản vi phạm và xử lý (như nêu tại điểm 2.a trên đây).

6. Trường hợp hàng hoá có kết luận kiểm tra không đáp ứng yêu cầu chất lượng (nêu tại điểm b khoản 4 Điều 8 Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN), cơ quan chuyên ngành báo cáo cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định xử lý Cơ quan hải quan phối hợp thực hiện khi hàng hoá buộc tái xuất, giám sát khi hàng hoá phải tiêu huỷ.

7. Một số quy định tại Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính:

a. Điểm c khoản 2 Điều 14 quy định về kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan: "'kiểm tra về chất lượng hàng hoá (bao gồm cả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm)", thì áp dụng đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng và hàng hoá phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

b. Điểm a và b khoản 1 Điều 25 quy định về thông quan hàng hoá, quy định: "Riêng đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng", thì chỉ áp dụng đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng.

c. Việc liên quan đến kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm hàng hoá nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có công văn các số 2430/TCHQ-GSQL ngày 05/6/2006, 3550/TCHQ-GSQL ngày 08/6/2006, 4163/TCHQ-GSQL ngày 08/9/2006, 4581/TCHQ-GSQL ngày 29/9/2006, 4761/TCHQ-GSQL ngày 09/10/2006, 4876/TCHQ-GSQL ngày 16/10/2006, 5704/TCHQ-GSQL ngày 22/11/2006, 4509/TCHQ-GSQL ngày 08/8/2007 và Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn số 734/HQTP-NV ngày 26/3/2007, yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM xem lại.

8. Những vấn đề vướng mắc của Cục hải quan TP.HCM nêu trên, Tổng cục Hải quan có nhiều ý kiến tham gia trực tiếp hoặc báo cáo Bộ Tài chính có văn bản góp ý khi xây dựng Luật, Nghị định, Thông tư của các Bộ quản lý chuyên ngành về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hoá nhập khẩu. Đối với các văn bản hiện đang còn hiệu lực, Cục Hải quan TP.HCM cần tổ chức nghiên cứu kỹ để thực hiện thống nhất trong Cục, tránh tình trạng các Chi cục hiểu một kiểu, Cục Hải quan thành phố hiểu một kiểu như Cục Hải quan TP.HCM báo cáo. Trường hợp thực tế còn tồn tại vướng mắc khó giải quyết thì cử người ra Tổng cục để trực tiếp trao đổi, tháo gỡ vướng mắc./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ