Công văn 611/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL năm 2015 về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 611/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL
Ngày ban hành 03/03/2015
Ngày có hiệu lực 03/03/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thúy Hiền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 611/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL
V/v lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2015

 

Kính gửi: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Nhằm áp dụng thống nhất Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP) trong việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ) lưu ý một số nội dung sau đây:

I. Về nội dung chi và mức chi

1. Về nội dung chi

Các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được hướng dẫn quyết toán kinh phí theo Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP bao gồm: (1) Tập hợp, rà soát, hệ thống hóa, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật[1]; (2) Điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình thi hành pháp luật; (3) Xây dựng báo cáo về tình hình thi hành pháp luật; (4) Đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (5) Trả thù lao cho chuyên gia tư vấn, phản biện độc lập báo cáo theo dõi thi hành pháp luật; (6) Tổ chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị, nghiên cứu, xây dựng chuyên đề phục vụ trực tiếp hoạt động theo dõi thi hành pháp luật và (7) Công tác phí.

2. Về mức chi

2.1. Hoạt động tập hợp, rà soát, hệ thống hóa, đánh giá văn bản phục vụ trực tiếp công tác theo dõi thi hành pháp luật (điểm e khoản 10 Điều 4)

Mức chi cho hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp công tác theo dõi thi hành pháp luật được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

2.2. Hoạt động điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học phục vụ hoạt động theo dõi thi hành pháp luật (điểm c khoản 10 Điều 4)

- Mức chi cho hoạt động điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình thi hành pháp luật được được thực hiện theo quy định của Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

- Mức chi cho việc tổ chức các hoạt động khảo sát ở nước ngoài thực hiện theo quy định của Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

2.3. Hoạt động xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật (điểm d khoản 3, khoản 5, khoản 6 Điều 4)

- Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hàng năm của các Bộ, ngành: Mức chi tối đa 8.000.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề: Mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất: Mức chi tối đa 3.000.000 đồng/báo cáo;

- Chỉnh lý hoàn thiện đề cương báo cáo: Mức chi tối đa 500.000 đồng/lần chỉnh lý;

- Chỉnh lý dự thảo báo cáo: Mức chi tối đa 600.000 đồng/lần chỉnh lý.

2.4. Hoạt động lấy ý kiến chuyên gia tư vấn, phản biện độc lập (khoản 9 Điều 4)

Trường hợp, khi xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xây dựng văn bản xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật (văn bản xử lý, kiến nghị xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật) cần phải lấy ý kiến chuyên gia tư vấn, phản biện độc lập thì mức chi tối đa là 1.000.000 đồng/báo cáo.

2.5. Hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuyên đề (điểm đ khoản 10 Điều 4)

Đối với hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuyên đề phục vụ xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật, mức chi được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

2.6. Chế độ họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị và họp báo (khoản 7 Điều 4)

Mức chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ công tác điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật như sau:

- Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/cuộc họp;

- Các thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/cuộc họp;

- Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: mức chi tối đa 500.000 đồng/văn bản.

2.7. Công tác phí (điểm a khoản 10 Điều 4)

Khoản chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước phục vụ việc kiểm tra, điều tra, khảo sát, tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, sơ kết, tổng kết được thực hiện theo quy định tại Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

[...]