Nghị định 59/2012/NĐ-CP theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Số hiệu 59/2012/NĐ-CP
Ngày ban hành 23/07/2012
Ngày có hiệu lực 01/10/2012
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2012/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2012

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Điều 3. Mục đích theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật

1. Khách quan, công khai, minh bạch.

2. Thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

3. Kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn.

4. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định.

5. Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân.

Điều 5. Phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật

1. Bộ Tư pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.

Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.

3. Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.

[...]