Công văn 6108/SXD-QLVLXD năm 2013 hướng dẫn công tác quản lý chất lượng, sử dụng vật liệu xây dựng trong công trình xây dựng do Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 6108/SXD-QLVLXD
Ngày ban hành 08/08/2013
Ngày có hiệu lực 08/08/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phan Đức Nhạn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6108/SXD-QLVLXD
V/v hướng dẫn công tác quản lý chất lượng, sử dụng VLXD trong công trình xây dựng.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 8 năm 2013

 

Kính gửi: Các chủ đầu tư, tư vấn, doanh nghiệp xâydựng và vật liệu xây dựng hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm phổ biến và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) đến các chủ đầu tư, các tư vấn, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng và sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn TPHCM; ngày càng quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VLXD do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và đưa vào sử dụng trong công trình xây dựng theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 23/2011/CT-UBND ngày 12/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố;

Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và VLXD hiểu rõ ý nghĩa và các nội dung cần thực hiện trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD và sử dụng trong công trình xây dựng theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là đối với các loại VLXD thuộc danh mục quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD và các loại vật liệu xây không nung (VLXKN); đồng thời, để đẩy mạnh ứng dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố theo hướng phát triển bền vững;

Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung chủ yếu liên quan đến công tác quản lý chất lượng và sử dụng VLXD trong công trình xây dựng phù hợp với quy định trên địa bàn thành phố:

A. Phần giới thiệu:

I. Giải thích từ ngữ:

1. Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng (khoản 1 Điều 3 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

2. Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị (khoản 2 Điều 3 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

3. Sản phẩm, hàng hóa VLXD có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2) là sản phẩm, hàng hóa VLXD trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, sử dụng trong công trình xây dựng có tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người và công trình xây dựng, cho môi trường xung quanh (khoản 3 Điều 3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD ngày 16/11/2010 của Bộ Xây dựng).

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD, mã số QCVN 16:2011/BXD, bao gồm 06 nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2: Nhóm sản phẩm clanhke xi măng và xi măng; nhóm sản phẩm kính xây dựng; nhóm sản phẩm phụ gia cho xi măng và bê tông; nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng chứa sợi vô cơ, sợi hữu cơ tổng hợp, sản phẩm hợp kim nhôm và sản phẩm trên cơ sở gỗ; nhóm sản phẩm sơn, vật liệu chống thấm, vật liệu xảm khe; nhóm sản phẩm gạch ốp lát.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông QCVN 7:2011/BKHCN.

4. Sản xuất là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm khai thác, …, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp (khoản 9 Điều 3 – Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ).

Một số công đoạn gia công, chế biến giản đơn không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa như: Sơn, chia cắt ra từng phần, lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh, trộn đơn giản các sản phẩm, kể cả các thành phần khác nhau, nếu một hay nhiều thành phần cấu thành của hỗn hợp không đáp ứng điều kiện đã quy định để có thể được coi như có xuất xứ tại nơi thực hiện việc này (Điều 9 – Nghị định số 19/2006/NĐ-CP).

5. Lô sản phẩm là tập hợp một loại sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật và được sản xuất cùng một đợt trên cùng một dây chuyền công nghệ (mục 3 – QCVN 16:2011/BXD).

6. Lô hàng hóa là tập hợp một loại sản phẩm được xác định về số lượng, có cùng nội dung ghi nhãn, do một tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tại cùng một địa điểm được phân phối, tiêu thụ trên thị trường (mục 3 – QCVN 16:2011/BXD).

7. Mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hóa là mẫu đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của sản phẩm, hàng hóa được sản xuất theo cùng một thiết kế, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật liệu (điểm 1.1 khoản 1 mục I Phụ lục II – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

8. Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng (khoản 1 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).

9. Tiêu chuẩn cơ sở là tiêu chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác công bố để áp dụng trong các hoạt động của tổ chức đó (điểm 3.7 khoản 3 mục I – Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

10. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng (khoản 2 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).

11. Công bố tiêu chuẩn áp dụng là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo về tiêu chuẩn áp dụng hoặc các đặc tính cơ bản của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường của mình (khoản 1 Điều 21 – Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ).

12. Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật (khoản 1 Điều 3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD).

13. Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật (khoản 2 Điều 3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD).

14. Tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức thực hiện việc đánh giá, xác nhận sản phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật (khoản 4 Điều 3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD).

15. Chứng nhận hợp chuẩn là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (khoản 6 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).

16. Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (khoản 8 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).

17. Phương thức đánh giá sự phù hợp:

[...]