Hướng dẫn 01/HDLS: XD-TC năm 2014 về quản lý giá vật liệu xây dựng, thiết bị để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình do Sở Xây dựng - Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang ban hành
Số hiệu | 01/HDLS:XD-TC |
Ngày ban hành | 02/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 02/01/2014 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Giang |
Người ký | Trịnh Quang Hưng,Nguyễn Hoàng Phương |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị |
UBND
TỈNH BẮC GIANG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/HDLS: XD-TC |
Bắc Giang, ngày 02 tháng 01 năm 2014 |
HƯỚNG DẪN
QUẢN LÝ GIÁ CÁC LOẠI VẬT TƯ, VẬT LIỆU XÂY DỰNG, THIẾT BỊ ĐỂ LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Căn cứ Quyết định số 475/2013/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Căn cứ Công văn số 2058/UBND-XD ngày 13/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Liên Sở: Xây dựng- Tài chính hướng dẫn một số nội dung về quản lý giá VLXD, thiết bị để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Công văn số 2058/UBND-XD của Chủ tịch UBND tỉnh và Quyết định số 475/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng:
Các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng từ 30% vốn ngân sách nhà nước trở lên bao gồm: Vốn ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; trái phiếu Chính phủ; vốn xổ số kiến thiết; vốn vay tín dụng ưu đãi; vốn vay Kho bạc Nhà nước và các nguồn vốn khác từ ngân sách Nhà nước.
Các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức Hợp đồng: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Xây dựng - Chuyển giao (BT), hợp tác công - tư (PPP) thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng nguồn vốn quy định tại mục 1 nêu trên.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nguyên tắc xác định giá VLXD đến công trình xây dựng:
Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khi khảo sát giá vật liệu xây dựng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cần căn cứ vào địa điểm công trình, nơi cung cấp vật tư, báo giá của nhà sản xuất, các đại lý phân phối, giá đã được áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự hoặc hóa đơn chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính; đồng thời, căn cứ yêu cầu của thiết kế và quy định về quản lý chất lượng công trình, chất lượng sản phẩm hàng hóa để xem xét, lựa chọn loại vật liệu hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại nơi xây dựng công trình, đảm bảo tính cạnh tranh; ưu tiên sử dụng các sản phẩm có quy cách, thông số kỹ thuật và chất lượng tương đương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước sản xuất.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính hợp lý, chính xác của giá vật tư, vật liệu, thiết bị trong việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành.
2. Phương pháp xác định giá VLXD đến công trình xây dựng:
Căn cứ các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật và giá của các loại vật tư, vật liệu do đơn vị tư vấn đề xuất, chủ đầu tư thực hiện khảo sát, xác định giá vật liệu xây dựng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo các phương pháp sau:
2.1. Tham khảo công bố giá VLXD của Liên Sở: Xây dựng - Tài chính:
2.1.1. Tham khảo công bố giá VLXD của Liên Sở: Xây dựng - Tài chính tại thời điểm lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình:
Đối với các loại vật tư, vật liệu không có trong Công bố giá của Liên Sở: Xây dựng - Tài chính hoặc những vật liệu có trong công bố giá nhưng giá vật liệu vượt từ 10% trở lên so với giá công bố tại thời điểm, trước khi phê duyệt giá vật liệu làm cơ sở để lập dự toán công trình chủ đầu tư phải gửi văn bản đến Liên Sở: Xây dựng - Tài chính để xin ý kiến về giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng. Hồ sơ xin ý kiến về giá gửi Liên Sở gồm:
a) Công văn xin ý kiến về giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng;
b) Bảng thống kê chủng loại, quy cách chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá các loại vật tư, vật liệu sử dụng cho công trình (bao gồm các loại vật tư, vật liệu có hoặc không có trong Công bố giá của Liên Sở: Xây dựng - Tài chính);
c) Bản sao Báo giá của các nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối;
d) Bản sao Chứng thư thẩm định giá (nếu có);
đ) Bản sao các hóa đơn, chứng từ mua bán sản phẩm (nếu có);
Hồ sơ được lập thành 02 bộ gửi Sở Xây dựng 01 bộ và Sở Tài chính 01 bộ (qua văn thư). Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Liên Sở: Xây dựng - Tài chính sẽ xem xét và có ý kiến trả lời bằng văn bản đối với một số nội dung như: sự phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định; phương pháp khảo sát và xác định giá; cơ sở pháp lý; tiêu chuẩn chất lượng; nguồn cung ứng đối với các loại vật tư, vật liệu mà chủ đầu tư dự kiến sử dụng để lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2.1.2. Tham khảo, vận dụng công bố giá VLXD của Liên Sở: Xây dựng - Tài chính để thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng:
Đối với các loại vật tư, vật liệu không có trọng Công bố giá của Liên Sở: Xây dựng - Tài chính hoặc những vật liệu có trong công bố giá nhưng giá vật liệu vượt từ 10% trở lên so với giá công bố tại thời điểm thanh, quyết toán hoặc điều chỉnh giá hợp đồng, chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài chính để được thống nhất mức giá hoặc phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát giá trên thị trường để thống nhất mức giá làm cơ sở thực hiện. Hồ sơ đề nghị thống nhất về mức giá của Liên Sở gồm: