Công văn 5715/BNN-PC năm 2014 kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật với quy định của Hiến pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 5715/BNN-PC |
Ngày ban hành | 18/07/2014 |
Ngày có hiệu lực | 18/07/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Hà Công Tuấn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5715/BNN-PC |
Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2014 |
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Phúc đáp công văn số 2890/BTP-KTrVB ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tình hình, kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả như sau:
I. QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thực hiện Quyết định 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 1593/BNN-PC ngày 26/3/2014 về việc hướng dẫn cách thức thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật với các quy định của Hiến pháp. Công văn hướng dẫn cụ thể về phạm vi, đối tượng rà soát, nội dung, cách thức rà soát và thời hạn tiến hành rà soát để các đơn vị thuộc Bộ chủ động thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng rà soát.
2. Các đơn vị thuộc Bộ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, trách nhiệm rà soát của mình so với các quy định của Hiến pháp. Việc rà soát căn cứ vào tinh thần, các nguyên tắc cơ bản và những quy định cụ thể của Hiến pháp tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Từ Điều 14 đến Điều 49); các quy định của Hiến pháp tại Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường và các nội dung khác có liên quan tại Hiến pháp.
II. KẾT QUẢ RÀ SOÁT
- Tổng số Luật, Pháp lệnh thuộc trách nhiệm rà soát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm thi hành các quy định của Hiến pháp: 9 văn bản
- Tổng số Luật, Pháp lệnh có nội dung trái với quy định của Hiến pháp cần phải dừng thi hành: 0 văn bản
- Tổng số Luật, Pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp: 1 văn bản
(chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)
- Tổng số văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát: 708 văn bản
- Tổng số văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp: 03 văn bản
- Tổng số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái với quy định của Hiến pháp cần phải dừng thi hành: 0 văn bản
(chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo)
III. VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Hiến pháp là đạo luật gốc, các quy định của Hiến pháp mới chỉ dừng ở tính nguyên tắc cao nên cách hiểu về các nguyên tắc này và nội hàm của các nguyên tắc để áp dụng trong việc rà soát khó đảm bảo thống nhất, do đó việc hiểu và nhận thức về tinh thần, nội dung mội số quy định trong Hiến pháp còn khác nhau, đặc biệt là quy định về “hạn chế quyền con người” tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, các quyền cụ thể quy định tại các Điều của Chương III Hiến pháp.
- Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn việc rà soát tại Công văn số 755/BTP-PLQT ngày 17 tháng 3 năm 2014 về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành các quy định về quyền con người tại Hiến pháp. Tuy nhiên, việc hướng dẫn mới chỉ tập trung rà soát về quyền con người, các nội dung khác của Hiến pháp có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể. Đối với việc rà soát về quyền con người, việc hướng dẫn còn chung chung, chưa có những dẫn chứng cụ thể, cách áp dụng thống nhất khái niệm “hạn chế quyền con người” và các nội dung có liên quan của Hiến pháp vào việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
- Số lượng văn bản thuộc đối tượng rà soát nhiều (708 văn bản), ban hành trong nhiều năm, phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan đến chuỗi (từ khâu đầu vào, quy hoạch vùng nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ, lưu thông sản phẩm, cơ chế chính sách...) nên đòi hỏi phải có sự đồng bộ, am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ mới rà soát một cách toàn diện, hệ thống. Tuy nhiên, thời gian cho việc rà soát tương đối gấp, khó khăn trong việc huy động nhân lực thực hiện việc rà soát văn bản.
- Do những quy định có tính tổng thể, bao quát của Hiến pháp nên cần có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, đưa ra cách hiểu thống nhất về các quy định của Hiến pháp đặc biệt là quy định về “hạn chế quyền con người” tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, các quyền cụ thể quy định tại các Điều của Chương III Hiến pháp.
- Bộ Tư pháp cần nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn bằng văn bản và thông qua các buổi tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật với quy định của Hiến pháp để việc rà soát đúng hướng, đưa ra kết quả đảm bảo chất lượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |