Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 5295/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn kiểm tra định mức và giải thích một số điểm tại Quy định ban hành kèm Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC

Số hiệu 5295/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 03/11/2004
Ngày có hiệu lực 03/11/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Vũ Ngọc Anh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5295/TCHQ-GSQL
V/v: hướng dẫn kiểm tra định mức và giải thích một số Điểm tại qđ ban hành kèm theo quyết định  69/2004/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2004

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 5295/TCHQ-GSQL NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2004 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐỊNH MỨC VÀ GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM TẠI QĐ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH 69/2004/QĐ-BTC

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thực hiện Điểm 9.2, phần 1, Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/08/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Quy định) và để Hải quan các tỉnh, thành phố hiểu thống nhất khi thực hiện Quy định này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn một số điểm như sau:

I. KIỂM TRA ĐỊNH MỨC:

1. Một số điểm cần lưu ý khi xác định đối tượng kiểm tra định mức:

Đối tượng kiểm tra định mức và chế độ kiểm tra đã được quy định cụ thể tại Điểm 9.1, phần 1 Quy định. Tổng cục hải quan chỉ lưu ý thêm một số điểm sau:

1.1. Một số dấu hiệu nghi vấn định mức doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan là không chính xác, không trung thực:

- Cùng mặt hàng gia công giống nhau, có các thông số của sản phẩm liên quan đến việc xác định định mức (ví dụ đối với áo là kích thước dài rộng, số lớp...) như nhau hoặc bé hơn nhưng định mức doanh nghiệp đăng ký lớn hơn hoặc bằng (đối với trường hợp thông số bé hơn) định mức doanh nghiệp khác đã đăng ký trước đó.

- Định mức doanh nghiệp đăng ký bất hợp lý so với sản phẩm gia công (không cần so sánh với định mức khác cũng có thể nhận biết được).

- Lượng nguyên liệu quy đổi từ sản phẩm gia công xuất khẩu (tính theo định mức doanh nghiệp đăng ký) vượt quá lượng nguyên liệu doanh nghiệp đã nhập khẩu, nhưng hợp đồng không có thoả thuận nguyên liệu cung ứng.

- Hợp đồng gia công có thoả thuận nguyên liệu cung ứng, nhưng không cụ thể; doanh nghiệp khai nguyên liệu mua trong nước để cung ứng nhưng không rõ ràng, không đúng quy định, có dấu hiệu hợp thức hoá lượng chênh lệch giữa nguyên liệu quy đổi từ sản phẩm xuất khẩu và nguyên liệu nhập khẩu.

- Doanh nghiệp tiêu thụ bất hợp pháp nguyên liệu gia công ra thị trường nội địa (bị Hải quan hoặc cơ quan chức năng khác phát hiện).

1.2. Về việc kiểm tra định mức đối với doanh nghiệp lần đầu tiên thực hiện hợp đồng gia công nêu tại Điểm 9.1.1.1, phần 1, Quy định:

1.2.1. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tiên làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công tại một Chi cục Hải quan, nhưng có xác nhận trước đó đã làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công tại Chi cục Hải quan khác thì không coi là lần đầu tiên thực hiện hợp đồng gia công nêu tại Điểm 9.1.1.1, phần 1, Quy định.

Chi cục Hải quan xác nhận cho doanh nghiệp đã làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công tại đơn vị mình phải ghi rõ doanh nghiệp có vi phạm về khai sai định mức, nhập thừa, xuất thiếu so với khai báo hay không? thời điểm xẩy ra các hành vi vi phạm này; hoặc có thuộc đối tượng doanh nghiệp không chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn chứng từ hay không.

1.2.2. Sau khi kiểm tra định mức của hợp đồng đầu tiên không phát hiện khai sai định mức, thì các hợp đồng gia công sau chuyển sang chế độ kiểm tra xác suất khi cần thiết như nêu tại Điểm 1.3 dưới đây.

Nếu doanh nghiệp ký kết hợp đồng gia công dài hạn (2 năm trở lên) thì quy định này áp dụng cho phụ kiện đầu tiên của hợp đồng,

1.3. Về chế độ kiểm tra xác suất định mức nêu tại Điểm 9.1.2, phần 1 Quy định:

Hải quan các tỉnh, thành phố cần chú trọng kiểm tra nhưng mặt hàng gia công dễ gian lận định mức, không được áp dụng chế độ kiểm tra này để kiểm tra tràn lan, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xem xét quyết định việc lựa chọn mã hàng kiểm tra xác suất.

2. Biện pháp kiểm tra định mức:

2.1. Đối với doanh nghiệp lần đầu thực hiện hợp đồng gia công và doanh nghiệp không chấp hành tốt chế độ bảo quản hóa đơn chứng từ:

2.1.1. Doanh nghiệp làm giải trình cụ thể, chi tiết về cơ sở, phương pháp tính định mức của mã hàng doanh nghiệp đăng ký với Hải quan gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công kèm mẫu sản phẩm, tài liệu thiết kế kỹ thuật của sản phẩm (như sơ đồ cắt đối với hàng may mặc) và tạo tiều kiện thuận lợi cho Hải quan khảo sát quy trình sản xuất, nhằm đảm bảo việc kiểm tra định mức được nhanh chóng, chính xác.

2.1.2. Chi cục hải quan quản lý hợp đồng gia công căn cứ vào giải trình của doanh nghiệp, mẫu sản phẩm, tài liệu thiết kế kỹ thuật, hồ sơ các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu lưu tại hải quan, khảo sát quy trình sản xuất của doanh nghiệp (nếu cần) để xem xét, quyết định.

2.1.3. Nếu bằng biện pháp trên vẫn chưa quyết định được thì trưng cầu giám định tại các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật phục vụ quản lý Nhà nước theo danh sách kèm theo Thông tư số 44/2001/TT-BK CNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (ví dụ: đối với gia công mặt hàng dệt may thì trưng cầu giám định Viện Kinh tế kỹ thuật dệt may; gia công mặt hàng thuốc lá thì trưng cầu giám định Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá).

Trường hợp không nhất trí với kết quả giám định thì tham khảo ý kiến của Bộ, ngành quản lý chuyên ngành tương ứng như quy định tại Điểm 9, Thông tư số 44/2001/TT-BKHCNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học, Công nghệ)

2.2. Đối với các trường hợp còn lại:

[...]