Công văn 5268/BGDĐT-GDDT năm 2024 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục dân tộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 5268/BGDĐT-GDDT |
Ngày ban hành | 11/09/2024 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Thị Kim Chi |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
5268/BGDĐT-GDDT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo; |
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các sở GDĐT; các trường dự bị đại học, Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (sau đây gọi chung là các đơn vị) thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục dân tộc (GDDT) như sau:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[1] (DTTS, MN). Rà soát, đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục để ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố hóa trường lớp, thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN; tập trung triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với vùng đồng bào DTTS, MN; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN, đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các trường dự bị đại học; bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của DTTS; quan tâm giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh vùng đồng bào DTTS, MN; đổi mới và tăng cường công tác quản lý GDDT, công tác thông tin, truyền thông về GDDT.
1. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, MN, nhất là các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương[2]. Việc sắp xếp đảm bảo nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
2. Thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi; tăng tỷ lệ trẻ em DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành cấp tiểu học, trung học cơ sở; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GDĐT.
3. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ở địa phương. Ưu tiên quan tâm rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp, đặc biệt chú ý đối với các trường ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, gần sông suối để có kế hoạch, lộ trình cụ thể bổ sung, hoàn thiện các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em và học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học vùng đồng bào DTTS, MN.
4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT[3] và tình hình thực tế, các địa phương xây dựng kế hoạch giai đoạn và hằng năm triển khai thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 - Dự án 5, đặc biệt việc kiên cố hóa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú tại địa phương.
5. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá các Chương trình, Dự án, Đề án có liên quan đến ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất, tham mưu phương hướng thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
II. Thực hiện chế độ, chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
1. Tiếp tục thực hiện đúng, đủ kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[4]. Thực hiện nghiêm túc chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS, đảm bảo cử tuyển đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch cử tuyển của địa phương gắn với quy hoạch sử dụng nguồn nhân lực của địa phương, của vùng để đảm bảo người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp theo quy định. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý đào tạo cử tuyển giữa địa phương với cơ sở đào tạo.
2. Thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với người dạy, người học và cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN; chính sách cử tuyển; chính sách hỗ trợ, tài trợ đối với giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giáo dục dân tộc.
3. Thực hiện công tác tham mưu cấp có thẩm quyền của địa phương ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc trên địa bàn. Rà soát, đánh giá tác động của chính sách mới ban hành[5], ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến người dạy, người học ở vùng đồng bào DTTS, MN, vùng đặc biệt khó khăn để tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền của địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời.
III. Thực hiện các hoạt động giáo dục đặc thù
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT[6], trường PTDTBT[7].
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về công tác tuyển sinh, đảm bảo tuyển chọn những học sinh ưu tú của các DTTS vào học trường PTDTNT theo quy định hiện hành[8]. Đối với trường Hữu nghị 80 và trường Hữu nghị T78 tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh đã được Bộ GDĐT phê duyệt. Đối với tuyển sinh dự bị đại học thực hiện theo quy định[9] và Đề án tuyển sinh đã được Bộ GDĐT phê duyệt.
- Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.
- Bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú; an ninh, an toàn trường học, phòng tránh nạn tảo hôn, các hủ tục lạc hậu và duy trì sĩ số trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” đảm bảo mục tiêu 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi. Chú trọng giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh bán trú nhỏ tuổi sớm phải xa gia đình; tăng cường an ninh, an toàn trường học, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và xây dựng trường học hạnh phúc.
- Tổ chức tốt hoạt động lao động sản xuất cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, chú trọng giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt; ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng về xóa bỏ các hủ tục (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bắt vợ,...).
- Tổ chức tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và hoạt động tự học của học sinh. Công tác nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Chủ động phối hợp với các cơ sở y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh, tích cực phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.
- Khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh trong các trường PTDTNT cấp THPT; huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn.
- Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Dạy học tiếng dân tộc thiểu số
a) Thực hiện việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông:
- Tiếp tục triển khai dạy học tiếng DTTS trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 21/11/2021 của Bộ GDĐT, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của địa phương.