Kế hoạch 1210/KH-BGDĐT năm 2024 về kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1210/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 13/09/2024
Ngày có hiệu lực 13/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1210/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐẦU NĂM HỌC 2024-2025

Thực hiện Quyết định số 2236/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 8 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 đối với Giáo dục Mầm non (GDMN), Giáo dục Tiểu học (GDTH), Giáo dục Trung học (GDTrH), Giáo dục thường xuyên (GDTX) và công tác chuẩn bị điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tại các Sở GDĐT.

b) Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học; phát hiện những bất cập trong các kế hoạch và tổ chức thực hiện; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tư vấn, ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra; kiến nghị các giải pháp tăng cường chỉ đạo trong thời gian tới đối với các nội dung được kiểm tra.

2. Yêu cầu

a) Việc kiểm tra phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đúng trình tự, thủ tục, đối tượng, nội dung, phạm vi, thời hạn theo quyết định kiểm tra.

b) Quá trình kiểm tra phải đảm bảo khách quan, chính xác, toàn diện, sâu sát, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, xây dựng và trách nhiệm; không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra nhằm kịp thời tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ đầu năm học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI KỲ KIỂM TRA

1. Đối tượng: Sở GDĐT, Phòng GDĐT, cơ sở giáo dục (CSGD) và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung kiểm tra tại mỗi Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh).

2. Thời kỳ, thời hạn kiểm tra

a) Thời kỳ kiểm tra: Công tác chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025. Trường hợp cần thiết có thể mở rộng trước hoặc sau thời kỳ kiểm tra.

b) Thời hạn kiểm tra: 30 ngày (dự kiến thời gian kiểm tra trực tiếp tại các Sở GDĐT: 15/9/2024 - 15/10/2024).

III. NỘI DUNG KIỂM TRA

Công tác kiểm tra bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn, quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, CSGD, trong đó chú trọng tập trung các nội dung sau:

1. Công tác triển khai các văn bản chỉ đạo

- Kiểm tra việc quán triệt, phổ biến và triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 của Bộ GDĐT đến các phòng GDĐT, các CSGD.

- Kiểm tra việc xây dựng kế hoạch và các biện pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ năm học 2024-2025 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, CSGD.

2. Triển khai nhiệm vụ chuyên môn

- Công tác xây dựng, quản lý và thực hiện kế hoạch giáo dục (bao gồm hoạt động tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trong CSGD) đối với GDMN, GDTH, GDTrH, GDTX.

- Công tác bảo đảm an toàn trong các cơ sở GDMN, GDTH, GDTrH, GDTX theo quy định của Bộ GDĐT; công tác khắc phục thiên tai, bảo đảm an toàn trường học sau bão lũ (đối với các địa phương bị ảnh hưởng của bão lũ).

- Công tác tổ chức các dịch vụ hỗ trợ giáo dục, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý cho học sinh; việc thực hiện các quy định về liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế trong giáo dục.

3. Điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục

- Tình hình đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học; công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, sách tham khảo đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình và bảo đảm an toàn trong trường học của mỗi cấp học; công tác khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau bão lũ (đối với các địa phương bị ảnh hưởng của bão lũ).

- Tình hình về bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm định mức giáo viên/lớp theo quy định và cho việc triển khai chương trình GDMN, giáo dục phổ thông, GDTX; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trong năm học.

- Việc thực hiện các quy định về thu, quản lý và sử dụng các khoản thu đầu năm học.

[...]