Công văn 4810/BVHTTDL-KHTC năm 2015 hướng dẫn về quy định nhập khẩu hàng hóa văn hóa là sản phẩm đồ chơi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 4810/BVHTTDL-KHTC
Ngày ban hành 20/11/2015
Ngày có hiệu lực 20/11/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Thị Hồng Liên
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4810/BVHTTDL-KHTC
V/v hướng dẫn về quy định nhập khẩu hàng hóa văn hóa

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty cổ phần Việt Tinh Anh

Phúc đáp Công văn (không số) ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Công ty Công ty cổ phần Việt Tinh Anh (Công ty) về việc giải đáp chính sách đối với việc nhập khẩu các sản phẩm đồ chơi của Công ty Hasbro - Mỹ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến quản lý chuyên ngành như sau:

1. Tại Công văn ngày 03/11/2015 nêu trên, do Công ty không mô tả đủ rõ về tính năng, cách thức sử dụng, không kèm theo hồ sơ catalogue, hình ảnh đối với từng sản phẩm nhập khẩu của Công ty, do vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có đủ thông tin để trả lời các nội dung đề nghị tại Công văn ngày 03/11/2015 của Công ty.

Tuy nhiên, mặt hàng nhập khẩu trên nếu được cơ quan có thẩm quyền liên quan xác định là đồ chơi trẻ em thì thuộc đối tượng điều chỉnh, quy định tại Điều 9 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó pháp luật hiện hành quy định:

Điều 9. Đồ chơi trẻ em

- Phải đảm bảo mới 100%; chưa qua sử dụng.

- Đảm bảo chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em theo quy định tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em - QCVN 3:2009/BKHCN.

- Có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không có hại đến giáo dục, phát triển nhân cách, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, không vi phạm các quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Đồ chơi trẻ em đáp ứng các điều kiện nêu trên được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan.

Do vậy, đề nghị Công ty căn cứ quy định hướng dẫn trên để tiến hành nhập khẩu hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.

2. Do hàng hóa văn hóa là sản phẩm đặc thù nên để xác định hàng hóa đó thuộc diện cấm nhập khẩu hay được phép nhập khẩu phải phụ thuộc vào việc thẩm định, kiểm tra nội dung của từng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Công văn của Công ty chỉ miêu tả hàng hóa “Cây phi tiêu bọt biển là một loại đồ chơi thể thao, hình dạng bên ngoài có hình mô phỏng khẩu súng cách điệu nhiều kiểu”. Tuy nhiên đối với mặt hàng đồ chơi, pháp luật quy định cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan hải quan có nghi ngờ nhưng không tự xác định được mặt hàng đồ chơi trẻ em mà doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu có thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành, kinh doanh tại thị trường Việt Nam không, thì cơ quan hải quan lấy mẫu hàng hóa đó để tiến hành trưng cầu giám định/lấy ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành văn hóa và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (giáo dục, công an, quốc phòng) để phục vụ cho việc xác định hàng hóa đó có được phép nhập khẩu hay không.

Những đồ chơi trẻ em liên quan đến vấn đề an toàn kỹ thuật trong quá trình vận hành khi nhập khẩu phải tuân thủ và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Căn cứ quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL, pháp luật hướng dẫn có liên quan và những nội dung trả lời tại Công văn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định quản lý xuất nhập khẩu nói trên để tiến hành nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp Công ty gặp vướng mắc trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, liên quan đến vướng mắc thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ, ngành nào, đề nghị Công ty có văn bản gửi về cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền liên quan để được hướng dẫn, giải quyết.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn để Công ty biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổng cục Hải quan;
- Cục VHCS (để phối hợp);
- Cục Xuất nhập khẩu - Bộ CT;
- Hiệp hội VATAP - Bộ CT;
- Lưu: VT, KHTC, HN.12.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH, TÀI CHÍNH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hồng Liên