Công văn 4778/BXD-QHKT năm 2023 về góp ý kiến Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 4778/BXD-QHKT
Ngày ban hành 23/10/2023
Ngày có hiệu lực 23/10/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Tường Văn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4778/BXD-QHKT
V/v góp ý kiến Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 7631/BKHĐT-QLQH ngày 15/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý kiến đối với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý lập quy hoạch:

- Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng ĐBSH) được lập trên cơ sở pháp luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018...; các chủ trương, chính sách của Đảng như Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm căn cứ chính trị, pháp lý có liên quan gồm: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW); Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW; Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

- Bổ sung một số chiến lược, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp Quốc gia bao gồm: Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quy hoạch vùng ĐBSH cần nghiên cứu kế thừa các quy hoạch liên quan trước đây: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 (Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 23/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ), Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ)...

2. Về phân tích, đánh giá hiện trạng:

- Nghiên cứu bổ sung, phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển dân số, trong đó làm rõ các vấn đề như dịch cư giữa các vùng, tỷ lệ tăng tự nhiên và cơ học...

- Rà soát, bổ sung báo cáo về các quy hoạch, dự án lớn có tính chất động lực phát triển vùng đã được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng chấp thuận, phê duyệt, triển khai thực hiện để xác định các vấn đề, nội dung cần kế thừa, phát triển.

- Về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, bổ sung hiện trạng cấp nước sinh hoạt đô thị; thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị lớn; hiện trạng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; cơ sở xử lý chất thải rắn.

- Bổ sung đánh giá về những thuận lợi và hạn chế đối với nguồn lực tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong vùng, từ đó có cơ sở, phân bổ nguồn lực đối với việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng.

3. Về quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển, nội dung quy hoạch:

- Rà soát quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển, nội dung quy hoạch đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, phù hợp với các định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng; thống nhất, phù hợp với các quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt hoặc đang triển khai lập đồng thời (như Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia); đồng bộ cùng với các quy hoạch tỉnh trong vùng.

- Mục tiêu quy hoạch cần đề xuất các chỉ tiêu cụ thể hơn về một số dự báo phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, quy mô dân số, lao động, đất đai, tỷ lệ đô thị hóa... Và một số lĩnh vực có liên quan cho từng tiểu vùng, từng đô thị trung tâm.

- Bổ sung làm rõ các nội dung yêu cầu của quy hoạch vùng đối với các quy hoạch cấp dưới (quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong vùng) cần tuân thủ, cụ thể hóa, làm cơ sở tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan theo quy định.

4. Về các phương hướng phát triển:

4.1. Phương hướng phát triển của các ngành có lợi thế cần dựa trên việc phân tích lợi thế phát triển của vùng, của từng tiểu vùng cụ thể. Bổ sung yêu cầu liên kết vùng đối với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của vùng làm cơ sở đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách cụ thể trong triển khai thực hiện quy hoạch.

4.2. Về phương hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn:

Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, tại khoản 7 Điều 3: “Quy hoạch vùng là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh”; tại khoản 2 Điều 3: “Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn là quy hoạch tổng thể quốc gia”. Theo đó, vai trò của Quy hoạch vùng ĐBSH là cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia. Do đó đề nghị:

a) Về tỷ lệ đô thị hóa:

Theo Thuyết minh Quy hoạch vùng, “quá trình đô thị hóa của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng trong hơn 10 năm qua diễn ra chậm và hầu như không có sự thay đổi về tỷ lệ đô thị hóa, tỷ trọng dân số thành thị năm 2010 chiếm 30,5%, năm 2022 giảm nhẹ xuống còn khoảng 30,3%. Năm 2022, dân số thành thị trung bình đạt khoảng 8,83 triệu người, tăng 2,78 triệu người so với năm 2010, có sự chênh lệch khá lớn về mức độ đô thị hóa giữa hai tiểu vùng. Năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa của tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng đạt 43,6% trong khi tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt khoảng 18,9% cho thấy sự mất cân đối rất rõ trong phát triển chung của toàn vùng”1. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt trên 55%, đến năm 2050 đạt khoảng 70%2. Như vậy, trung bình tỷ lệ đô thị hóa tăng lên khoảng 3% mỗi năm. Đề nghị nghiên cứu kỹ để đề xuất phương án phát triển hệ thống đô thị, kết hợp phương án sắp xếp đơn vị hành chính theo các giai đoạn, phân phối điều tiết gia tăng dân số đô thị hợp lý giữa các đô thị trong vùng, đặc biệt là giải pháp tăng tốc tỷ lệ đô thị hóa tại các đô thị hạt nhân, đô thị cực tăng trưởng của Vùng để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, đề nghị rà soát số liệu tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị theo loại đô thị đảm bảo chính xác, thống nhất.

b) Về hệ thống đô thị - nông thôn của Vùng:

- Làm rõ cơ sở lý luận xác định hệ thống đô thị của Vùng quản lý đến loại đô thị nào (hiện nay Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia đang đề xuất hệ thống đô thị cấp quốc gia được quản lý đến đô thị loại III, do vậy cụ thể hóa cho các đề xuất này có thể nghiên cứu hệ thống đô thị của vùng xác định đến đô thị loại IV, vì đây là trung tâm để hình thành thị xã trong tương lai). Đề nghị phối hợp với đơn vị thực hiện lập Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 hiện đang trình thẩm định, để đảm bảo có đề xuất về định hướng phát triển hệ thống đô thị của Vùng hợp lý với định hướng quy hoạch hệ thống đô thị cấp quốc gia (về vùng đô thị, chuỗi, chùm đô thị...).

- Định hướng phát triển nông thôn cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ liên quan đến phát triển nông thôn (xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn; chính sách đối với các xã đặc biệt khó khăn, khu vực gắn với an ninh quốc phòng...), nhằm đảm bảo tính khả thi, bám sát hướng dẫn theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (có các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu).

c) Về các tiểu vùng:

- Theo Thuyết minh về định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, Quy hoạch vùng ĐBSH3 đang đề xuất phát triển vùng Thủ đô Hà Nội (bao gồm Hà Nội và 09 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang) và phát triển đô thị theo hành lang kinh tế - đô thị ven biển (Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Hạ Long, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định). Quy hoạch vùng ĐBSH chưa thể hiện nội dung nghiên cứu mối quan hệ giữa vùng ĐBSH với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đô thị ven biển và với vùng đô thị lớn (đang được đề xuất tại Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn là một trong 4 vùng đô thị lớn của quốc gia, vùng đô thị lớn gồm Vùng Hà Nội và thêm Hải Phòng và Quảng Ninh). Đề nghị bổ sung nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ giữa các vùng đô thị được xác định có mối liên kết với đô thị vùng ĐBSH.

[...]