Công văn 4721/BNN-TCLN năm 2020 về thực hiện xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4721/BNN-TCLN
Ngày ban hành 15/07/2020
Ngày có hiệu lực 15/07/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4721/BNN-TCLN
V/v thực hiện xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp về lĩnh vực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Về thực hiện quản lý rừng bền vững

a) Yêu cầu chung: Toàn bộ diện tích rừng phải được quản lý bền vững, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp, trong đó lưu ý:

- Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế phải hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trước 31/12/2020; Phương án quản lý rừng bền vững là cơ sở để tích hợp các loại rừng vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh và là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đối với các chủ rừng có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước sau năm 2020;

- Tùy điều kiện của địa phương, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân hoặc nhóm hộ đang quản lý rừng trồng là rừng sản xuất xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Đối với các địa phương đang thực hiện chương trình, dự án có nội dung về quản lý rừng bền vững, cần ưu tiên hỗ trợ cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.

2. Về lĩnh vực chứng chỉ quản lý rừng bền vững

a) Để tránh tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình đánh giá cấp chứng chỉ rừng, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh cần chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó chú ý đến điều kiện hoạt động của các tổ chức cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, cụ thể:

- Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật;

- Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu theo quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17021-1:2015 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17021-1:2015 đối với hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững;

- Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu theo quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17065:2013 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065:2012 đối với hoạt động đánh giá cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm có nguồn gốc từ rừng;

- Có tối thiểu 04 chuyên gia đánh giá đáp ứng theo quy định về chương trình chứng nhận tương ứng;

- Phải được Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

b) Lựa chọn Chứng chỉ quản lý rừng bền vững:

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững; đã hợp tác với hệ thống chứng chỉ rừng PEFC quốc tế để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam. Đồng thời, đã công nhận hệ thống chứng chỉ rừng FSC được hoạt động tại Việt Nam.

Về nguyên tắc, chủ rừng tự nguyện lựa chọn hệ thống chứng chỉ rừng để đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và để giảm chi phí cho các chủ rừng trong việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện những nội dung sau:

- Vận động, tuyên truyền và hỗ trợ các chủ rừng ưu tiên đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS).

- Những địa phương có các chương trình, dự án về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hoặc nguồn vốn ODA thì cần ưu tiên hỗ trợ cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã lâm nghiệp có rừng trồng sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để báo cáo);
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP;
- Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, TP;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ