Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 4487/BKHĐT-TH hướng dẫn đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 4487/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 11/06/2024
Ngày có hiệu lực 11/06/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4487/BKHĐT-TH
V/v hướng dẫn đánh giá thực hiện Kế hoạch PTKTXH năm 2024, dự kiến Kế hoạch PTKTXH năm 2025

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Căn cứ khoản 2 Điều 56 của Luật Đầu tư công, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi tắt là các bộ, cơ quan trung ương, địa phương) tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên với những nội dung chủ yếu như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTXH NĂM 2024

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

a) Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, khách quan, chính xác bối cảnh thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, bao gồm:

- Tình hình thế giới, khu vực, trong đó: làm rõ diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, còn nhiều yếu tố bất định của tình hình thế giới, khu vực ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ...; tình hình an ninh, chính trị, nhất là các cuộc xung đột tại Nga-Ucraina, dải Gaza, Biển Đỏ... tác động tới các hoạt động kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng, vận tải... Tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới, khu vực; một số dự báo của các tổ chức quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, truyền thống của Việt Nam; kiểm soát lạm phát tại các quốc gia; việc điều chỉnh, triển khai các gói kích thích kinh tế, các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, các ngành mới nổi như chíp, bán dẫn, chuyển đổi xanh...; thiên tai, biến đổi khí hậu... tác động tới nhiều khu vực và quốc gia trên toàn cầu.

- Trong nước, nhiệm vụ phát triển KTXH áp lực và nặng nề hơn; khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng đan xen với cơ hội, thuận lợi, thời cơ. Công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý các khó khăn, thách thức trong nội tại nền kinh tế và trước những biến động bất ngờ cửa tình hình thế giới; tình hình lạm phát, tỷ giá, lãi suất; biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu; tình hình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI, du lịch; phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thị trường vàng...; đảm bảo các cân đối lớn về năng lượng, lương thực; các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...

b) Trên cơ sở bối cảnh năm 2024, cần tập trung làm rõ: các kết quả đạt được, những thành tựu nổi bật của năm 2024 trong phát triển kinh tế, xã hội, thể chế, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh... (có đánh giá, so sánh với năm 2023 và các năm 2021-2023); những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân (chủ quan và khách quan) và bài học kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, hướng tới thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Cụ thể:

- Các bộ, cơ quan trung ương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ[1], các quyết định, chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp (đối với các địa phương) về phát triển KTXH năm 2024; đồng thời báo cáo đầy đủ việc thực hiện các chỉ tiêu đã được giao tại các Nghị quyết nêu trên theo mẫu tại Phụ lục kèm theo.

- Các địa phương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và năm 2024; chương trình, kế hoạch hành động của địa phương thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 và các Nghị quyết khác của Chính phủ; đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu đã được giao của địa phương.

Các nội dung cần được tập trung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện:

(1) Điều hành, phối hợp đồng bộ, hài hòa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Trong đó phân tích kỹ:

- Công tác điều hành tín dụng, tỷ giá, lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vàng; giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh như thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ...; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng (điện, dầu...).

- Phát triển thị trường trong nước, triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch; mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

- Công tác điều hành giá, nhất là giá năng lượng, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân.

(2) Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn để sớm đưa các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống (như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai...), góp phần khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển KTXH. Rà soát các vướng mắc pháp lý liên quan đến các luật; xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành 01 luật sửa nhiều luật hoặc theo hình thức Nghị quyết quy phạm từng lĩnh vực.

Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và cho các dự án, công trình giao thông đường bộ; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

(3) Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các tuyến đường gom, nút giao kết nối, các dự án có tính liên vùng, đường ven biển, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn, các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số...

Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các dự án, công trình phát triển, truyền tải, phân phối điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân; tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025; ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Phát triển các hạ tầng số, hạ tầng thương mại, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng lâm nghiệp, thủy sản, hạ tầng phòng chống giảm nhẹ thiên tai...

(4) Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Cơ cấu lại 03 lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước); tình hình xử lý các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như sản xuất chíp bán dẫn...; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, dịch vụ.

Phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử... Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

(5) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là trong các ngành công nghệ cao, chíp bán dẫn...; tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

(6) Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa; xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; hoàn thành Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa.

Thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo trợ giúp xã hội; công tác giảm nghèo bền vững; triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác trẻ em, phát triển thanh niên, thúc đẩy bình đẳng giới; công tác dân tộc, tôn giáo; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Rà soát, hoàn thiện, triển khai các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện, trình Quốc hội Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

[...]